Vào tứ kết đâu có khó, miễn là thầy trò ông Park thoát khỏi "cái bẫy" của chính mình
Ai mới đang rộng cửa nhất lấy vé vào tứ kết? U23 UAE hay Jordan? Không phải. Chính là U23 Việt Nam.
1. Chẳng phải cả U23 UAE và U23 Jordan sẽ đều "dắt tay nhau" đi tiếp vào tứ kết nếu hòa có tỷ số đấy sao? Nên nhớ đây là đấu trường châu Á, và giải đấu này còn để chọn ra những đại diện ưu tú của châu lục tham dự Olympic, chứ chẳng phải giải đấu lèng phèng cỡ "vùng trũng", để có thể dễ dàng "diễn trò".
Hơn thế nữa, nếu như hòa 0-0 là tương đối dễ, thì hòa có tỷ số là cực kỳ khó. Đơn giản, ai sẽ là đội mở tỷ số? Liệu khi đã nắm được lợi thế trong tay, đội dẫn trước có "lật kèo"?
Đấy là mới nói đến chuyện hai đội "thỏa thuận" được với nhau, còn trên thực tế, U23 Jordan và UAE sẽ phải "sống mái" với nhau trận đấu này, bởi nếu không thắng, Jordan sẽ phải đối đầu với "ông lớn" Hàn Quốc nếu lọt vào tứ kết. Ngược lại, nếu để thua, UAE sẽ đứng trước nguy cơ xách vali về nước ngay sau vòng đấu bảng.
Bản thân U23 UAE cũng đang "lo sốt vó" với viễn cảnh bị loại ngay từ vòng bảng.
Nên nhớ, chiếc vé đầu bảng D là cực kỳ quan trọng, bởi chứng kiến trận đấu giữa U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan hôm qua, chắc hẳn chẳng đội bóng nào mong muốn gặp U23 Hàn Quốc ở tứ kết cả.
Ngay sau trận hòa 0-0 với U23 Jordan, với việc chiểu theo điều lệ, chỉ cần trận U23 Jordan - U23 UAE kết thúc hòa có tỷ số, thì trận đấu còn lại của U23 Việt Nam là vô nghĩa, rất nhiều người hâm mộ đã thốt ra không ít lời chán nản, thậm chí bắt đầu trách móc thầy trò HLV Park Hang-seo. Chắc hẳn điều đó đã tác động không ít tới tâm lý của toàn đội. Nhưng hơn lúc nào hết, ông Park và các học trò của mình phải ý thức rõ nhất việc cánh cửa vào tứ kết đang mở toang với mình.
Theo đó, trận đấu với U23 Triều Tiên không phải là đoạn cuối con đường, để rồi dẫu có thắng cũng sẽ "kết thúc cuộc chơi", mà là "phần thưởng" của chính U23 Việt Nam sau hai trận hòa đầy vất vả trước các đối thủ mạnh, mở ra cơ hội có được trận thắng đầu tiên để bước vào tứ kết, bước đầu tái hiện lại chiến tích lẫy lừng hai năm về trước.
2. Nhưng thắng U23 Triều Tiên có dễ? Câu trả lời từ phía các nhà cái châu Á là không khó. Theo đánh giá của họ, thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn toàn có thể thắng với cách biệt từ 1 đến hai bàn dễ dàng.
Tuy nhiên, để thắng được trận đấu này, có một điều quan trọng thầy trò HLV Park Hang-seo phải làm được. Ấy là thoát khỏi cái bóng của chính mình 2 năm về trước.
Ở giải đấu lần này, U23 Việt Nam bất lợi hơn khá nhiều so với chính mình ở giải đấu họ làm nên kỳ tích khi đi đến tận trận chung kết 2 năm về trước.
Thầy trò HLV Park Hang-seo hiện tại không còn là một tập thể mạnh mẽ, là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai lứa U19 lẫy lừng, từng đem sự hứng khởi lại cho bóng đá Việt Nam sau hàng chục năm bết bát, cũng như từng được "thử lửa" ở đấu trường World Cup U20. Bên cạnh đó, sự quyết tâm, tinh thần chiến binh của chính các cầu thủ cũng không còn được như xưa.
Và quan trọng hơn, với việc tranh chiếc vé đến với Olympic, đối thủ của họ không còn là lứa cầu thủ "để dành" cho Olympic 2020 ngày nào, mà tất cả các đối thủ lần này đều đem đội hình mạnh nhất, để bằng mọi giá đạt được thành công.
Sau màn bốc thăm chia bảng cho VCK U23 châu Á 2020, không ít người hâm mộ cũng như giới chuyên môn Việt Nam mừng ra mặt bởi rơi vào bảng đấu được đánh giá là "dễ dàng nhất", thay vì "bảng tử thần" như Thái Lan hay Trung Quốc.
Trước khi giải đấu này bắt đầu, rất nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam từng nhận định thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ dễ dàng vượt qua vòng đấu bảng, mà quên mất rằng dẫu gì đi nữa, U23 Việt Nam vẫn chỉ là đội bóng đến từ "vùng trũng" Đông Nam Á, và chưa thể vươn đến tầm "làm mưa làm gió" ở châu lục.
Trong khi U23 Thái Lan có quyền dùng SEA Games 30 làm đấu trường "thử lửa" để chọn ra phương án đá VCK U23 châu Á, thì với sức ép thành tích, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn phải tăng cường đủ hai cầu thủ trên 22 tuổi để chính phục thành công chức vô địch, vô hình chung đánh mất đi một cơ hội tốt để chuẩn bị cho giải đấu lần này.
Mất Trọng Hoàng, Hùng Dũng và Văn Hậu cho giải đấu lần này, U23 Việt Nam chơi vơi thấy rõ. Trong khi đó với đà tâm lý, ngay cả HLV Park Hang-seo cũng nghĩ rằng VCK U23 châu Á "dễ chơi", để rồi chọn cách tiếp cận mang đầy tính "cửa trên" khi phải đối đầu với U23 UAE hay Jordan.
Ở trận đấu với U23 UAE, ông Park sử dụng đội hình với 2 tiền đạo thực sự, dùng một trung vệ để đá cánh, với ý đồ "đánh phủ đầu", giành chiến thắng ngay trận đầu tiên ra quân. Lựa chọn ấy đã hoàn toàn phá sản khi U23 Việt Nam suýt chút nữa thì trắng tay vì lựa chọn liều lĩnh của mình.
Dù sao đi nữa, với 2 điểm đã có được trong tay, U23 Việt Nam chưa thua, và cơ hội đi tiếp vẫn đang rất sáng. Dẫu vậy, đã đến lúc HLV Park Hang-seo phải cho các học trò của mình tiếp cận trận đấu, tiếp cận đối phương theo một tâm thế khác, thay vì như hai trận đấu vừa qua, để rồi tự mang ức chế vào mình.
Hôm qua, dẫu đã chắc chắn bị loại sau hai trận toàn thua, song U23 Nhật Bản đã chơi một trận "để đời", để kéo theo đối thủ cùng về nước ngay sau vòng loại. Trận đấu ấy, U23 Nhật Bản đã chơi cực hay, cực thăng hoa, để rồi dẫu cho có phải chơi với 10 người ngay từ đầu hiệp 2, song họ mới là đội bóng ghi bàn thắng trước, trong trận đấu mà U23 Qatar chỉ cần thắng là đoạt vé vào tứ kết.
Hai năm về trước, tinh thần chiến binh là thứ vũ khí quan trọng giúp U23 Việt Nam làm nên kỳ tích, bên cạnh đó là tâm thế "biết người biết ta". Giờ đây, có thoát khỏi "cái bẫy" tâm lý do chính mình giăng ra, thì thầy trò HLV Park Hang-seo mới có thể "làm nên chuyện".
Thắng U23 Triều Tiên đâu có khó. Vào tứ kết đâu có khó. Điều khó nhất là phải vượt qua được "rào cản" nơi chính mình. Đến lúc thầy trò ông Park nắm lấy cơ hội cuối cùng rồi, bởi chẳng còn cơ hội nào tốt hơn đâu.
Trí thức trẻ