Vật liệu xây dựng 'bão giá', ảnh hưởng cao tốc Bắc- Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, giá vật liệu xây dựng đang tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam. Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
- 31-03-2022Cao tốc Bắc - Nam ì ạch tiến độ: Sẽ đề nghị công an xem xét việc DN bị “o ép” giá vật liệu
- 24-03-2022Cao tốc Bắc - Nam ì ạch: Nhà đầu tư yếu kém 'ôm' dự án
- 17-03-2022Cao tốc Bắc – Nam: Vẫn vướng mặt bằng, thiếu vật liệu
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, với lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, Bộ Xây dựng sẽ giao cho Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn cùng với cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, UBND các địa phương trong việc tổ chức xây dựng các định mức còn thiếu hoặc sửa đổi các định mức chưa phù hợp.
Nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu cấp bách trong đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá xem xét sự tương đồng về các điều kiện áp dụng định mức ở các công trình đã thực hiện và quyết định ban hành áp dụng cho các dự án thành phần thuộc dự án.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá.
Trước đó, ngày 10/5/2021, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường giá xây dựng , bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng và dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu các cơ chế, chính sách và công tác điều hành của Chính phủ.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm. Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.
"Bộ Xây dựng luôn chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu, phân tích khoa học các vấn đề, cũng như làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ sớm nhất", Thứ trưởng Minh nói.
Theo Thứ trưởng Minh, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tham mưu cho bộ giải pháp để kịp thời tháo gỡ. Các giải pháp phải đồng bộ đồng, bộ thống nhất theo quy định pháp luật.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay.
Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… rơi vào khoảng 18.000 – 19.000 đồng/kg.
Theo giá thép cập nhật đến ngày 28/3/2022, thép Pomina có giá bán ở mức 19.430 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 19.630 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300.
Tiền phong