MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nội không thể chờ chết trên sân nhà?

10-06-2013 - 11:11 AM |

Lần đầu tiên các doanh nghiệp ngành thép chủ động kiện chống bán phá giá cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu “lớn lên” trong giao thương quốc tế bằng cách tự biết bảo vệ mình.

Cty Posco VST và Cty Inox Hòa Bình mới đệ đơn lên Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Vàng thau lẫn lộn...

Theo đơn của các doanh nghiệp, nhà sản xuất thép không gỉ cán nguội tại 4 nền kinh tế được nêu trông đơn, về cơ bản sử dụng và cạnh tranh cùng các kênh phân phối với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Những nhà nhập khẩu và các công ty thương mại đã và đang có những tác động đáng kể trên thị trường thép tại Việt Nam, và trở thành một nguồn cung ứng thép chủ yếu tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Sản phẩm thuộc đối tượng điều tra bán phá giá có mặt khắp Việt Nam và có giá bán thấp hơn đáng kể giá bán của nhà máy ở Việt Nam và trong nhiều trường hợp giá đó thấp hơn chi phí sản xuất thực của thép không gỉ cán nguội. Những nhà nhập khẩu và môi giới thép tại Việt Nam là nhân tố chính yếu góp phần gây thiệt hại cho các  nhà sản xuất thép tại Việt Nam cũng như đe dọa, tiếp tục gây thiệt hại cho ngành chông nghiệp thép trong nước trong tương  lai.

Họ cung cấp những kênh phân phối đã tồn tại từ lâu cho các nhà xuất khẩu thép từ 4 thị trường nói trên vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu này nhanh chóng gia nhập vào thị trường Việt Nam.

“Hơn thế nữa, một số lượng đáng kể thép không gỉ cán nguội loại 2 và loại không đạt tiêu chuẩn cũng được nhập khẩu vào Việt Nam từ những thị trường đó. Những sản phẩm này chủ yếu được sử dụng và tiêu thụ ở thị trường cấp thấp trong ngành sản xuất các sản phẩm thép không gỉ hạ nguồn như bể nước, dụng cụ ăn uống và nấu nướng, vật liệu xây dựng”, ông Nguyễn Vĩnh Hà, giám đốc Ban đầu tư và xúc tiến thương mại Cty Inox Hòa Bình, đại diện hai doanh nghiệp đệ đơn kiện trao đổi với Pháp luật Việt Nam. “Bởi vì giá nhập khẩu của những loại này thấp hơn rất nhiều lần so với giá thương mại của sản phẩm loại 1 tại thị trường nội địa nên đã tạo nên áp lực đáng kể đến giá bán hàng trên thị trường thép không gỉ cán nguội Việt Nam”.

Doanh nghiệp không thể ngồi... bó tay chờ chết

Hai đơn vị đâm đơn kiện là Cty Inox Hòa Bình và Cty Posco VST đang chiếm khoảng 80% sản lượng sản xuất trong nước, cùng với hai công ty ủng hộ là Cty Hoàng Vũ và Cty Inox Đại Phát thì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 94,7% tổng lượng sản xuất trong nước năm 2012, đáp ứng được yêu cầu của việc đứng đơn một cách tuyệt đối bởi vì sản lượng sản xuất của các bên yêu cầu này đã đại diện cho sản lượng chủ yếu được sản xuất bởi ngành công nghiệp trong nước. Đây cũng là những doanh nghiệp đầu tư lớn cho việc sản xuất sản phẩm thép không gỉ cán nguội cung cấp cho thị trường nội địa.

Từ khi nắm quyền kiểm soát Cty Thép ASC vào tháng 10/2009, Posco VST đã tăng hiệu suất sử dụng các thiết bị lên mức tối đa cho năm 2011. Nhìn thấy được viễn cảnh cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam nên Posco VST đã hoàn tất việc lắp đặt các thiết bị sản xuất mới để có công suất hàng năm là 150.000 tấn vào tháng 3/2012.

Trong khi đó, Cty Inox Hòa Bình đã quyết định đầu tư théo không gỉ cán nguội dạng dải có bề rộng 1380 mm, năng suất hằng năm là 100.000 tấn. Việc xây dựng đã được lên kế hoạch sẽ hoàn thành và sản xuất thương mại dự kiến bắt đầu từ năm 2012, nhưng Cty Inox Hòa Bình chưa thể đưa dây chuyền vào sản xuất thương mại vì khó khăn về tài chính do việc bán phá giá ồ ạt từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Malysia, Indonesia.

Hơn nữa, cũng vì nguyên nhân đó mà tỷ lệ công suất hoạt động thiết bị đã giảm từ 95% năm 2011 xuống còn 65% năm 2012, và mặc dù ngành công nghiệp trong nước có đủ năng lực để đáp ứng tất cả các nhu cầu trong nước nhưng lại không thể sử dụng hết năng lực sản xuất.

“Doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chủ động kiện chống bán phá giá để bảo vệ mình” – đại diện các doanh nghiệp trên nói – “Nếu không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, Posco VST và Hòa Bình không thể khôi phục lại khả năng cạnh tranh của mình và nguy cơ sẽ đối mặt với việc phá sản trong tương lai”.

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương bắt đầu việc điều tra các tác động có hại của bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội và áp dụng biện pháp chống bán phá giá với múc 20% đối với việc nhập khẩu từ Trung Quốc, 20,8% đối với Đài Loan, 39,9% đối với Indonesia và 16,7% đối với Malaysia trong vòng 5 năm để đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của hàng hóa bán phá giá từ các nền kinh tế trên.

Theo Hoàng Thủy - Mai Hoa

khanhnt

Pháp luật Việt Nam

Trở lên trên