Vay 10 triệu đồng phải trả 30 triệu đồng: Chặt ‘vòi bạch tuộc’ tín dụng đen
Những câu chuyện buồn, đau lòng liên quan đến tín dụng đen nhiều năm nay vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là vùng ven các thành phố. Giải quyết dứt điểm chuyện này không dễ, nhưng không phải không có cách…
Ám ảnh vì vay tiền xong bị doạ giết, siết nợ…
“Về ngay, thằng Lâm bị xã hội đen tìm đến tận nhà. Vợ nó đang chết khiếp kìa”, bữa cỗ tối đông đủ thành viên của đại gia đình bà Hồng (Đan Phượng, Hà Nội) bị bỏ giữa chừng bởi dòng thông tin ngắn ngủi như vậy. Chị Hương, anh Quân bỏ bát, vội đạp xe về nhà, vì lo cho con trai, con dâu và đứa cháu nội 2 tháng tuổi.
Con trai lớn của chị, Hoàng Lâm, năm nay 25 tuổi, đang nợ tiệm cầm đồ một món tiền. Lâm cầm xe máy để lấy gần 10 triệu đồng đi làm ăn từ khoảng 2 tháng nay. Tiền lãi mỗi ngày cho 10 triệu đồng là 100.000 đồng. Nhưng đến thời điểm đó, phía cho vay đã tính món nợ lên đến gần 30 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi.
Nhiều lần chủ tiệm đến nhà đòi nợ, Lâm phải trốn chui trốn lủi. Đồ đạc trong nhà hiện giờ cũng không có nhiều món có giá trị ngoài chiếc tivi và "cái xác nhà", nên những người cho Lâm mượn tiền cũng không có phương án khác. Biết mẹ Lâm mới trở về từ Séc, xã hội đen mới tìm đến nhà, gây áp lực.
Nếu như cách đây khoảng 7-10 năm, câu chuyện trên được cho là chuyện lạ ở những huyện vùng ven Hà Nội, thì giờ đây, chuyện đó quen thuộc đến mức nó đã không còn trở thành chủ đề bàn tán của người dân.
Kể câu chuyện con trai vay nợ tín dụng đen sau đó bà phải mất nguyên một mảnh đất trước nhà mọi chuyện mới yên, bà Nguyễn Thị Huệ, sống ở vùng ven Hà Nội, vẫn không giấu được ánh mắt thảng thốt dù chuyện đã xảy ra gần 2 năm. “Xã hội đen vào nhà, cầm dao, kề tay thằng bé vào thớt và tuyên bố nếu không trả được, sẽ chặt bỏ tay nó, sau đó thì nhà tôi phải bán lại miếng đất đó cho chính họ, với giá bèo bọt bằng 1/3 thị trường”, bà Huệ nhớ lại.
Hai năm trước, ở những huyện vùng ven Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ…, câu chuyện các nhân viên tín dụng đen mời chào cho vay nóng đã được nhiều người truyền tai. Ở mỗi vùng quê đều có “trùm” huy động vốn và cho vay ra hay vỡ nợ vì huy động - cho vay kiểu vậy cũng không là chuyện hiếm. Lãi suất cho vay như vậy, hiển nhiên là “vô tội vạ”.
Cách đây khoảng 5 năm, mức này dao động 3.000 đồng/triệu/ngày nhưng càng về sau càng tăng lên, có khi lên đến 7.000-10.000 đồng/triệu/ngày cho những nhu cầu nóng. Tính ra, vay 1 triệu trong 1 tháng, lãi suất phải trả lên đến 210.000-300.000 đồng, một năm là 2,5-3,6 triệu đồng.
Nhưng gần đây, mọi chuyện đã dần thay đổi…
Sống nhờ nguồn vốn ổn định
Từ khoảng 2-3 năm nay, với nhiều người dân, ngân hàng và các công ty tài chính đã là kênh cung ứng vốn trở nên phổ biến hơn.
Chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên y tế một trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, kể cách đây gần 4 năm, chị đã phải “sống dở chết dở” với khoản vay từ trùm tín dụng hơn 100 triệu đồng để mở trang trại gà. Với mức lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày, việc kinh doanh của gia đình chị nhanh chóng thất bại. “Sống ở quê, chết không sợ, nhưng sợ mang tiếng. Chỉ vì cần vốn để chăn nuôi, đi vay tiền hụi họ mà thành ra mang tiếng là nợ nần, sau tôi phải chuyển việc”, chị Thu ngậm ngùi chia sẻ.
Mãi sau này, khi vào làm nhân viên y tế ở trường học, chị mới được đồng nghiệp rỉ tai cách vay vốn từ chính ngân hàng mà không cần phải lo lắng về lãi suất không rõ ràng hay lãi mẹ đẻ lãi con.
Hiện tại, chị Thu và nhiều đồng nghiệp khác đang là khách hàng của mô hình vay tín chấp tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm ngoái, chị Thu vay VPBank gần 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào mô hình chăn nuôi tại gia đình.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ vay vốn lại ngân hàng như thế, chỉ cần trình ra hoá đơn tiền điện mỗi tháng trên 300.000 đồng là đã vay được khoảng 50 triệu đồng. Mà tiện cái nữa là mình vay thì chỉ mình với người cho vay biết, không như trước đây, người nọ đồn người kia là cái Thu nó vay chỗ này chỗ kia nhiều lắm thành ra ngại, mà vay để làm ăn chứ gì đâu mà cứ xì xào”, chị Thu chia sẻ.
Chị Trần Thị Thuỳ, một tiểu thương ở chợ Sắt (Hải Phòng) cũng chia sẻ từ 2 năm nay, chị là khách hàng quen thuộc của VPBank. Trước đây, để có vốn, chị hay “vay nóng” những đầu mối cho vay tại chợ. Lãi suất chỗ nào quen thì khoảng 5.000 đồng/triệu/ngày, chỗ không quen khoảng 7.000 đồng/triệu/ngày. Sau này, chị và các tiểu thương ở chợ được biết đến mô hình cho vay tín chấp của ngân hàng. Từ đó, chị là khách hàng thân thiết.
“Mỗi kỳ, tôi vay khoảng trên dưới 100 triệu đồng, thường sẽ vay trong vài tháng vì không bị quá nhiều áp lực trả nợ. May có hình thức cho vay này, chứ nghĩ cảnh vay bên các hội hụi lãi suất cao mà không trả sớm là mệt, tôi cũng thấy sợ”, chị Thùy nói.
Khách dưới chuẩn ngân hàng, vay vốn ở đâu?
Chưa có số liệu thống kê mới nhất nhưng theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2010 đến 2015, cơ quan công an đã khởi tố hơn 5.800 vụ việc, hơn 10.880 bị can liên quan đến tín dụng đen. Trong số này, số vụ giết người là 41 vụ, cố ý gây thương tích 301 vụ, cướp tài sản 527 vụ và 961 vụ cưỡng đoạt tài sản. Có 56 nhóm với 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… Thiệt hại từ những hình thức tín dụng đen như vậy, theo ước tính của cơ quan cảnh sát, lên đến vài nghìn tỷ đồng. Con số thống kê gần đây nhất là tháng 9/2015 từ cơ quan cảnh sát điều tra, là gần 5.500 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín chia sẻ, tín dụng đen phát triển mạnh, nhắm đến người nghèo có nhu cầu cần gấp tiền nhưng không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chuyên gia này ủng hộ việc phát triển các mô hình có thể giúp người cần vốn tìm thấy vốn mà không vướng vào tín dụng đen.
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng đen sẽ bớt “tác oai tác quái” nếu nhu nhu cầu vay chính đáng của người dân được các tổ chức tín dụng đáp ứng. Ông gợi ý ngân hàng có thể mở rộng đối tượng vay vốn xuống phân khúc thấp hơn, phát triển tín dụng ở chợ, tín dụng tiêu dùng…
Ngoài ra, với những người không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, có thể áp dụng mô hình cho vay tại các công ty tài chính tiêu dùng cùng hệ thống tín dụng vi mô. Ông Hiếu cho rằng đây là giải pháp căn cơ vì sẽ hướng người dân tham gia vào thị trường chính thức, minh bạch, có sự quản lý.