MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay Yên thành mối lo lớn với nhiều doanh nghiệp Việt

Đồng Yên tăng giá đã “thổi bay” lợi nhuận, khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào thua lỗ...

Theo yết giá tại Vietcombank, ngày 6/11, 1 Yên Nhật “ăn” 212 đồng. So với đầu năm, Yên Nhật đã tăng tới 14%.

Việc tăng giá của đồng Yên là mối lo lớn của các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng tiền này.

Công ty Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ, khi kết quả kinh doanh những năm qua luôn chịu tác động bởi sự biến động của đồng tiền này. 9 tháng năm nay, Nhiệt điện Phả Lại đạt doanh thu 4.489 tỷ đồng, giảm 26%, song lỗ tới 349 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp này vẫn lãi 443 tỷ.

Theo cơ cấu vay nợ, Nhiệt điện Phả Lại có khoản vay hơn 22 tỷ Yên khiến chi phí tài chính tăng mạnh 102% lên 772 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân lỗ là do tỷ giá chênh lệch, đồng Yên tăng giá.

Với khoản vay nợ trên, tính toán nếu đồng Yên tăng giá 1% thì Nhiệt điện Phả Lại sẽ lỗ tỷ giá khoảng 48 tỷ đồng. Áp lực tỷ giá đã thổi bay lợi nhuận của công ty này và luôn là gánh nặng thua lỗ với doanh nghiệp nhiệt điện than này.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là thành viên dẫn đầu nợ vay trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với khoảng 395.000 tỷ đồng. Áp lực lỗ tỷ giá luôn hiện hữu, ăn mòn lợi nhuận của tập đoàn nhiều năm nay. Kết thúc 6 tháng năm 2016, tập đoàn đạt doanh thu gần 131.000 tỷ đồng song lại báo lỗ hơn 716 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ là 930 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 1.271 tỷ đồng.

Nợ lớn khiến lãi vay là gánh nặng với EVN. 6 tháng đầu năm tập đoàn đã phải chi tổng cộng 6.900 tỷ đồng trả lãi. Năm 2015, EVN cũng phải chi hơn 12.000 tỷ đồng trả lãi vay. Không những thế, bất kỳ động thái tăng giảm của đồng Yên cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, trong 6 tháng đồng Yên tăng giá mạnh đã khiến tập đoàn lỗ tỷ giá tổng cộng 6.371 tỷ đồng. Như vậy, dù vẫn lãi 5.814 đồng từ sản xuất kinh doanh song thành quả này đã bị tỷ giá đồng Yên ăn mòn và EVN phải chịu cảnh lỗ.

Một "ông lớn" khác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng có chung "nỗi đau" với đồng Yên, khi là doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật.

Kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2016 của ACV bị ảnh hưởng nặng nề bởi đồng Yên, khi lần đầu tiên báo lỗ. Cụ thể, ACV lỗ tới 124 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất là vay nợ bằng đồng Yên quá lớn khiến lỗ tỷ giá lên tới 1.379 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6, ACV vay nợ dài hạn hơn 15.600 tỷ đồng bằng đồng Yên thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với đó là các hiệp định vay vốn để xây dựng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tổng số vốn vay bằng đồng Yên lên tới 15.775 tỷ đồng.

Với cơ cấu vay nợ Yên, ước tính nếu đồng tiền Nhật tăng 1% thì ACV sẽ lỗ khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy mức chênh lệch 14%, ước tính ACV sẽ lỗ tỷ giá gần 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Ngoài lãi vay, việc Yên tăng giá cũng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp có quan hệ trao đổi hàng hóa với Nhật. Các công ty xuyên quốc gia của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam như Canon, Toyota, Honda và nhiều doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hàng hoá từ Nhật đều bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, ở khía cạnh tích cực, Yên tăng giá là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Nhật Bản như Thuỷ sản Minh Phú, FPT…, trong điều kiện thanh toán bằng đồng Yên.

Như trường hợp ở FPT, mỗi năm tập đoàn này xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật, nên với mức tăng giá 1% của đồng Yên, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.

Sau cơn sốt tăng giá Yên hồi giữa năm (tăng 17-18%), đến nay Yên đã ổn định, song vẫn ở mức cao so với đầu năm, một kết quá u ám với các doanh nghiệp có dư nợ đồng tiền này trong năm tài chính 2016.

Chính phủ Nhật đang tìm mọi cách để kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền này nhằm kích thích kinh tế phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật - Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ và có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạ lãi suất nếu cần thiết.

Theo Bạch Dương

VnEconomy

Trở lên trên