VCBS: Nghị định 08 là bước đầu tiên tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu
Theo VCBS, điểm đáng chú ý nhất trong nghị định vẫn là quy định đàm phán kéo dài thời hạn trái phiếu. Việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngày 5/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, nhìn chung điều khoản nghị định chính thức khá tương đồng với các bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến thị trường.
Điểm đáng chú ý nhất trong nghị định vẫn là quy định đàm phán kéo dài thời hạn trái phiếu . Việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo VCBS, đây sẽ là bước đầu tiên tạo khung pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung . Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành. Quá trình được dự báo tương đối phức tạp phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt.
Nghị định này là khung pháp lý quan trọng được thị trường chờ đợi từ lâu trong bối cảnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể khi mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh trong năm vừa qua. Song, nhìn rộng hơn, các khó khăn trung hạn vẫn tồn tại bao gồm khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế. Đồng thời chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong một báo cáo trước đó, Chứng khoán BSC cho rằng quy định mới liên quan đến việc có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác sẽ tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện đàm phán rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này; đồng thời giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu giảm nguy cơ vỡ nợ.
Quy định cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu cũng sẽ có tác dụng giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để cơ cấu lại TPDN đã phát hành và thỏa thuận với nhà đầu tư, giảm nguy cơ vỡ nợ.
Ở khía cạnh khác, Nghị định mới cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm sẽ giúp giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao trong năm 2023 và 2024. Đặc biệt, việc ngưng hiệu lực nhiều quy định về trái phiếu như xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, thời gian phân phối, kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp có thêm thời gian cho các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị nguồn lực, quy trình. Thêm vào đó, điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành có nhiều thời gian để phân phối trái phiếu, từ đó có thể huy động được nhiều vốn hơn.
Nguồn: BSC Research
Nhịp Sống Thị Trường