VCBS: Tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu sẽ ở mức thấp
VCBS cho rằng, sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng từ 0,5 - 1 % và có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.
- 20-11-2020Cần thêm hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu hiệu quả
- 16-11-2020Bao phủ nợ xấu giảm tại ngân hàng
- 11-11-2020Toàn cảnh nợ xấu của 27 ngân hàng
Trong báo cáo ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, Chứng khoán VCBS nhận định nhiều ngân hàng đang ghi nhận khách hàng có dư nợ tái cơ cấu hồi phục.
Cụ thể, nhiều ngân hàng không ghi nhận sự gia tăng của dư nợ tái cơ cấu trong Qúy 3/2020. Bên cạnh đó, lợi suất ghi nhận trên danh mục cho vay có sự phân hóa và hồi phục mạnh ở nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt. Nguyên nhân chính đến từ việc một phần khách hàng tái cơ cấu theo Thông tư 01 đã có dòng tiền và thực hiện trả lãi trở lại sau khi được giãn thời hạn trả lãi ở thời điểm Quý 2/2020.
"Với việc nhiều khách hàng đã hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu khi thông tư 01 hết hiệu lực kỳ vọng ở mức thấp", nhóm phân tích cho biết.
Thông tư 01 được dự báo hết hiệu lực trong năm 2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát sau khi nhiều nước có thể sản xuất đại trà Vaccine phòng bệnh.
Với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng dự kiến ở mức 0,5 – 1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021. Nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5.