MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI công bố kết quả khảo sát 'gây sốc' với Bộ Công Thương

Gần 51% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI nói phải trả phí ngoài khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với Bộ Công Thương.

Ngày 8/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, báo cáo được khảo sát từ 3.061 doanh nghiệp (trong đó 46% là doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% doanh nghiệp FDI và 17% doanh nghiệp Nhà nước).

Qua khảo sát cho thấy, ngành hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận những điểm sáng: Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chính sách rất tích cực, thủ tục hành chính xuất nhập khẩu đang tốt dần lên.

Tác phong phục vụ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức ngành hải quan đã có sự cải thiện đáng kể, bước đầu đã kiểm soát hiện tượng công chức hải quan nhũng nhiễu doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Về thủ tục thông quan, trên 50% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn phải, nộp giấy tờ hồ sơ hải quan, hồ sơ có chữ ký đóng dấu… “Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ ngoài quy định, và không công khai quy trình”- ông Tuấn nói.

Năm 2018, tới 53% doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong việc thủ tục kiểm tra, xác định mã HS và 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định trị giá.

Ông Tuấn cũng cho biết, ề sự phục vụ của công chức hải quan, ông Tuấn cho rằng, khoảng 50-60%, mức trung bình khá. Vẫn có hiện tượng một số cán bộ hải quan cứng nhắc, bắt lỗi nhỏ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa thực sự xem doanh nghiệp là đối tác.

Trong khi đó, về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyển ngành, theo đánh giá của doanh nghiệp, các bộ ngành chỉ ở mức bình thường (60-70%), trong khi tỷ lệ đánh giá “dễ thực hiện” ở khá thấp, chỉ mức 15-27%.

Đáng lưu ý, theo kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy có 56% doanh nghiệp cho biết không chi trả loại chi phí này.

Bên cạnh con số 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “không biết”, có 18% doanh nghiệp với gần 500 doanh nghiệp thừa nhận là có chi trả phí “lót tay”. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 15% doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu (Năm 2015 là 31%).

Theo ông Tuấn, qua khảo sát, tới 212 doanh nghiệp cho biết phải “lót tay” khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở các bộ, ngành.

Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp phải “lót tay” với Bộ Công Thương lớn nhất với tỷ lệ gần 51%, Bộ NN&PTNT 34%, Bộ GTVT gần 30%, Bộ Y tế hơn 27%, Bộ KH&CN 24,5%...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là nền kinh tế rất mở, với khoảng 500 tỷ USD. Điều này cho thấy, việc thủ tục liên quan đến thương mại biên giới rất quan trọng.

Theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá với niềm tin tăng so với trước đó. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ chấm điểm ở 5-6, rất ít điểm 8, 9 và cũng có những điểm 3-4. Điều này cũng trùng với xếp hạng ở Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như ở khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ ở mức “thường thường bậc trung”, mức thứ 5 ở ASEAN.

“Nếu chỉ dừng lại ở mức trung bình thế chế, thì rất khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đó là thách thức”- Ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chỉ số thương mại qua biên giới phải dẫn đầu, vì đây là thủ tục “chào hỏi” của Việt Nam với thế giới là lĩnh vực chịu sức ép để Việt Nam vươn lên chuẩn mục quốc tế.

Theo ông Lộc, năm 2019, cần phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ít nhất phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành như nghị quyết của Chính phủ mới ban hành.

Cùng đó, thực hiện nguyên tắc hậu kiểm thay vì tiền kiểm, quản lý rủi ro, đặt niềm tin vào người dân và doanh nghiệp, tăng ứng dụng công nghệ thông tin.

“Theo khảo sát của doanh nghiệp, trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được kê khai qua mạng, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện một số thủ tục thủ công giấy tờ… như vậy là “tin học hóa nửa vời”- Chủ tịch VCCI nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Hải quan cho biết, năm qua, hải quan đã áp dụng tối đa về về công nghệ thông tin, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tổng cục cũng phối hợp với 12 bộ ngành, để thực hiện “một cửa” quốc gia, với 148 thủ tục hành chính, 1,8 triệu bộ hồ sơ với 26.000 doanh nghiệp tham gia.

Ông Cường cũng cho biết, hải quan đã định danh 300 hành vi, gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, trên cơ sở định dạng đó, để giám sát trong ngành.

“Tại một số cửa khẩu thông quan lớn, chúng tôi lắp camera, giám sát từ Tổng cục, Cục và Chi cục, ngồi ở Tổng cục có thể biết anh em ở cửa khẩu thế nào”- ông Cường nói.


Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên