VDSC: Lo ngại về nghẽn lệnh trên sàn HoSE, dự báo VN-Index dao động trong vùng 1.303 - 1.421 điểm trong tháng 6
Việc số lượng nhà đầu tư F0 tăng trưởng mạnh mẽ trong ba tháng vừa qua cũng đưa thanh khoản thị trường lên đỉnh cao mới trong tháng 5/2021 khi tăng 40% so với thanh khoản trung bình trong 4 tháng trước đó.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã có những đánh giá tích cực về triển vọng TTCK Việt Nam trong tháng 6.
Đánh giá TTCK trong tháng 5, chỉ số VN-Index tăng ấn tượng 7,15% so với tháng trước, đạt 1.328,05 điểm. HNX-Index thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn khi tăng 12,81% so với tháng trước
Thanh khoản bình quân trên sàn HoSE qua giao dịch khớp lệnh đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2% so với tháng 4. VN30 cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh hơn 33% về thanh khoản. Nhóm Tài chính (STB, SSI, TPB) và Công nghệ (FPT) là hai nhóm ngành có mức sinh lời tốt nhất với mức tăng trưởng lần lượt là 24,5% và 20,1% so với tháng 4.
Tháng 5, ghi nhận tổng giá trị bán ròng khối ngoại đạt 11,2 nghìn tỷ đồng tăng đến 1,6 lần so với tháng trước. Nhóm cổ phiếu VN30 bị bán ròng 10,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 92% tổng giá trị toàn thị trường. Trái ngược, nhà đầu tư tổ chức trong nước lại có động thái mua ròng với giá trị gần 525 tỷ đồng. Khối tự doanh cũng mua ròng 484 tỷ đồng.
Bước sang tháng 6, VDSC cho rằng TTCK sẽ tiếp tục đà tăng nhưng có thể xảy ra những nhịp rung lắc. Động lực chính theo VDSC vẫn là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại về tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE từ đầu tháng 6 cùng với việc tái bùng phát của đại dịch Covid-19 với mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn so với 3 đợt dịch trước.
Do đó, VDSC dự phóng tăng trưởng EPS 2021 của các doanh nghiệp trên sàn HOSE ở mức từ 10% đến 20% trong trường hợp cơ sở, từ đó đưa ra mức dự báo chỉ số VN-Index trong khoảng 1.303 - 1.421 điểm.
Số lượng tài khoản mở mới 5 tháng đầu năm 2021 vượt con số của tổng cả năm 2020
Theo VDSC, động lực mạnh thúc đẩy TTCK đến từ sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân. Chi tiết, trong tháng 5, số lượng tài khoản mở mới đã tăng mạnh, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay là 114.000 tài khoản. Từ đó, số lượng tài khoản mở mới chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 đã vượt qua con số của tổng cả năm 2020. Theo VDSC, điều này là hoàn toàn hợp lý khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, dù có sự biến động nhẹ ở các ngân hàng tư nhân nhưng không đáng kể. Trong khi đó, không thể phủ nhận mức sinh lời của thị trường chứng khoán đầy hấp dẫn.
Lo ngại về tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE
Thị trường đã xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh. Ngay trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 1/6, hệ thống HoSE đã không thể xử lý số lượng khổng lồ lên đến con số gần 760 nghìn. Đồng thời, việc số lượng nhà đầu tư F0 tăng trưởng mạnh mẽ trong ba tháng vừa qua đã đưa thanh khoản thị trường lên đỉnh cao mới trong tháng 5/2021, tăng đến 40% so với thanh khoản trung bình trong 4 tháng trước đó. VDSC dự đoán, tình trạng nghẽn lệnh như vậy sẽ xảy ra thường xuyên trong tháng 6 tới đây.
Trước đó, một số điều chỉnh kĩ thuật tạm thời trong tháng 4 đã nâng tổng số lượng lệnh mua và bán đạt lên 800.000 lệnh trên sàn HoSE, phần nào giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh và mang lại hiệu ứng tích cực trên cả thị trường. Cụ thể, chỉ số VN-Index đã tăng 6,8% trong giai đoạn từ ngày 12/4 đến 1/6, cao hơn hẳn so với mức tăng 4,6% trong giai đoạn trước khi số lệnh chưa được nâng từ ngày 23/2 đến 9/4.
Cập nhật của VDSC, FPT dự kiến sẽ bàn giao hệ thống giao dịch mới cho HoSE vào cuối tháng 6 và sẵn sàng đưa vào vận hành trong tháng 7, kỳ vọng giúp giải quyết tình trạng.
Gần đây, các CTCK đưa ra thông báo đến nhà đầu tư ngưng sửa và hủy lệnh giao dịch như là một giải pháp tạm thời nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh. Theo VDSC, nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh thị trường để tăng khả năng khớp lệnh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao và bán với giá thấp. Do đó, VDSC khuyến cáo thị trường có thể xảy ra những biến động lớn hơn trong giai đoạn này.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 với mức độ nghiêm trọng hơn so với 3 đợt trước
Bên cạnh các điều kiện có thể ảnh hưởng đến TTCK tháng 6 kể trên, làn sóng Covid-19 thứ 4 cũng là yếu tố đáng chú ý. Cụ thể, tổng số ca lây nhiễm cộng đồng tính đến cuối tháng 5/2021 lớn gấp 2,4 lần tổng số ca lây nhiễm cộng đồng của ba đợt trước đó.
Nhìn vào quá khứ, thị trường đã phục hồi nhanh chóng khi giới đầu tư kì vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trở lại nhờ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và kịp thời của nước ta.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 thấp hơn dự kiến có thể là một nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường trong tháng 7/2021 hoặc quý 3/2021 tùy vào diễn biến của dịch bệnh và các lệnh giãn cách xã hội.
VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303 - 1.421 điểm
VDSC đã sử dụng EPS TTM của Bloomberg và điều chỉnh mức tăng của EPS từ 0% đến 20% trong bối cảnh mà kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn HOSE đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021.
Tuy nhiên, sự trở lại của đợt dịch Covid-19 vào cuối tháng 5 đã làm giảm sự lạc quan về khả năng tăng trưởng EPS trên 20% trong năm 2021. Số liệu PE sử dụng là trung bình của ba năm gần nhất (gần 16,2x).
Theo đó, VDSC dự phóng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303 - 1.421 điểm.
VDSC dự kiến các cổ phiếu ngân hàng (VCB, TCB), nhóm thép (HPG) và nhóm chứng khoán sẽ là động lực dẫn dắt VN-Index, đồng thời giữ quan điểm thận trọng với một số cổ phiếu nhóm ngân hàng (STB, VPB) khi đã tăng rất mạnh và vượt qua giá mục tiêu.