Về quê sống cùng bố mẹ: Thu nhập giảm một nửa nhưng vẫn tiết kiệm được nhiều hơn
Nhiều người trẻ cảm thấy may mắn vì vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.
- 06-06-2023Không xe, không nhà, không vợ, người đàn ông 40 tuổi về quê xây nhà dưỡng lão 3 tỷ đồng cho cha mẹ
- 03-06-2023Bán nhà phố lấy 16 tỷ đồng về quê "trồng rau nuôi cá" với mô hình lạ, tôi lỗ nặng sau 1 năm: Chạy theo trào lưu nhưng phải nắm vững điều này mới thành công
- 29-05-2023Cô gái sinh năm 1999 về quê làm ruộng dù học xong có việc ngay, mức lương khá
Khác với định kiến của số đông khi cho rằng giới trẻ thích rời xa mái ấm gia đình để sống tự lập, nhiều Gen Z đã quay về sống cùng cha mẹ sau thời gian dài lập nghiệp trên thành phố. Ngoài cảm giác ấm cúng, họ thừa nhận quyết định này mang lại nhiều lợi ích tài chính hơn so với việc ở một mình.
Tiết kiệm đến 7 triệu đồng phí sinh hoạt khi sống cùng mẹ
Bảo Ngọc (22 tuổi, Hà Nội) là giáo viên tiếng Anh. Cô vừa chuyển về vùng ngoại thành sinh sống khoảng 2 tháng sau khi tốt nghiệp Đại học.
“Một phần vì lý do gia đình là muốn ở gần mẹ, các chị và cháu hơn. Một phần nữa là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt", Ngọc nói về nguyên nhân bỏ phố về quê.
Ngọc cho hay, ở thành phố chi phí sinh hoạt cao nên khi chuyển về sống cạnh gia đình cô tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Mặt khác từ khi sống ở quê, cô bớt được hàng loạt khoản chi tiêu cố định hàng tháng khi còn là sinh viên như tiền thuê nhà, chi phí xăng xe đi lại…
“So với việc ở trọ, mình đã tiết kiệm được tiền thuê trọ (2 triệu đồng), tiền xăng xe (300 ngàn đồng) và tiền ăn. Mua sắm cũng ít đi vì ở quê không có quá nhiều sự lựa chọn như ở Hà Nội. Hồi trước, tổng chi phí mua sắm linh tinh mỗi tháng của mình là 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, mình còn tiết kiệm được tiền đi gội đầu dưỡng sinh 4 buổi/tháng, tổng là 1,2 triệu đồng".
Mặt khác, nhược điểm về tài chính khi ở quê là lương sẽ không cao như ở thành phố, môi trường làm việc cũng hạn chế. Bản thân Ngọc đã giảm một nửa thu nhập khi chấp nhận chuyển từ phố về quê. Hiện tại, do vừa chuyển chỗ ở mới không lâu nên Ngọc chỉ làm công việc freelancer. Cô dành 2/3 tiền lương hàng tháng để tiết kiệm, còn lại thì đưa cho mẹ chi phí sinh hoạt.
“Ưu điểm khi về quê là đi làm gần nhà, tiết kiệm tiền thuê trọ, không mất chi phí phát sinh. Vì thế khoản tiền tiết kiệm của mình cũng tăng lên so với hồi ở trọ. Nhược điểm là không có chỗ vui chơi nhiều. Nếu muốn đi chơi thì mình phải đi khá xa", Ngọc nói.
Dẫu vậy Ngọc cho rằng dự định sinh sống ở quê của mình là kế hoạch tạm thời. Nếu tìm được công việc phù hợp ở thành phố thì cô cũng sẵn sàng đi làm xa nhà. Công việc mà Ngọc mong muốn nhất là nằm ở khu vực gần ngoại thành, thuận tiện để cô “đi đi về về" sống cạnh mẹ.
Chuyển về quê vì quá chán đi tìm trọ
Nhật Anh (23 tuổi, Hà Nội) làm nhân viên ngân hàng. Sau 2 năm đi làm, thu nhập của cô là khoảng 18 triệu đồng/tháng. Nhật Anh nhận định, dù tiền lương không quá cao nhưng cũng đủ để cô có cuộc sống tiện nghi ở thành phố, cũng như có khoản tiết kiệm nhỏ.
Cách đây hơn 2 tháng, bạn cùng trọ của Nhật Anh chuyển về quê sinh sống sau khi tốt nghiệp Đại học. Cũng vì thế, Nhật Anh phải tìm một người bạn ở trọ mới nếu không muốn gánh quá nhiều tiền thuê nhà mỗi tháng. Tuy nhiên, việc tìm người ở cùng không dễ như cô nghĩ.
“Thời điểm đó, hầu hết bạn bè và đồng nghiệp của mình đều đã ổn định với chỗ trọ, hoặc có nhà riêng. Do đó, mình chỉ còn cách ở ghép cùng người lạ. Mình từng dành nửa tháng ở cùng nhà với một nhóm bạn quen trên mạng, nhưng đã chấp nhận bỏ tiền nhà một tháng đó, rời đi sớm vì tính cách đôi bên không hợp nhau".
Từ trải nghiệm ở cùng người lạ thất bại, Nhật Anh quyết định chuyển về sống cùng bố mẹ ở vùng ngoại ô, cách nơi làm việc 30km.
“Thời gian đầu, mình chỉ tính ở cùng bố mẹ khoảng 1 tháng rồi sẽ đi tìm nhà trọ. Bố mẹ cũng luôn giục con thuê nhà mới sớm vì họ sợ mình đi đường xa vất vả và nguy hiểm.
Nhưng chỉ sau vài ngày ở cùng nhà, mình quyết định ở với bố mẹ lâu dài. Thứ nhất, mình thích không khí trong lành của vùng quê và cảm giác yên bình khi sống cạnh bố mẹ. Thứ hai, mình tính nửa năm sau chuyển vào TP.HCM sống nên việc chỉ thuê trọ trong nửa năm, rồi lại tìm người ở ghép càng khó khăn hơn. Thứ ba, một điều quan trọng hơn là việc ở quê giúp mình có thêm một khoản tiết kiệm cho các dự định tương lai".
Đều đặn mỗi tháng, sau khi nhận được tiền lương, Nhật Anh lập tức chuyển 3 triệu tiền sinh hoạt cho mẹ. Số tiền còn lại, cô dành 1/3 để chi tiêu sinh hoạt, còn lại để dành tiết kiệm. Vì nghĩ sắp chuyển đến thành phố mới sinh sống và có thể chi nhiều tiền để ổn định cuộc sống sau này nên Nhật Anh hiện dừng việc đầu tư cho các chuyến du lịch và hạn chế chi tiêu.
“Bố mẹ chưa đến tuổi nghỉ hưu, vẫn có nguồn thu nhập cố định. Họ cho mình tùy ý chi tiêu với thu nhập riêng mà không cần phụ gia đình. Dù mỗi tháng mình gửi bố mẹ 3 triệu đồng nhưng mình không mất tiền thuê nhà, mua đồ ăn như trước. Ví dụ như khi xe mình hết xăng, hoặc mình cần lấy đồ ship mà vận chuyển về nhà thì bố mẹ cũng sẽ trả các khoản chi phí đó”.
Nhật Anh nói thêm, bản thân cô thấy may mắn hơn các bạn ở tỉnh thành khác vì vẫn có thể ở gần bố mẹ. Cô chia sẻ bố mẹ không coi việc mình về sống cùng là gánh nặng. Họ còn hỏi Nhật Anh có muốn cân nhắc không chuyển vào TP.HCM sống hoặc chuyển công tác về một đơn vị gần nhà để tiện ở gần bố mẹ.
“Bố mẹ mình là người sống tình cảm, muốn con cái ở cạnh bên. Chỉ có một điều bố mẹ không hài lòng khi mình chuyển về quê là hàng ngày con đi lại khá xa.
Như mới đây, mình có gặp chút tai nạn giao thông nhỏ. Dù cơ thể xây xát chút ít thôi nhưng bố mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại mình chuyển ra trọ sống. Đó cũng là thứ mình trân trọng hơn khi về sống cùng bố mẹ. Vì khi ở thành phố, nhiều lúc mình thấy bản thân cô đơn và không có ai quan tâm nếu mình gặp tai nạn tương tự vậy.
Hiện tại nhìn nhiều bạn bè ở các tỉnh thành khác ‘đau đầu' với tiền nhà, tiền tiêu mỗi tháng, mình vẫn biết ơn vì bản thân thấy thoải mái. Mình có thể phụ thuộc tài chính vào cha mẹ trong giai đoạn này”, Nhật Anh tâm sự.
Phụ nữ Việt Nam