MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vé tàu, vé máy bay dịp Tết Nhâm Dần thấp kỷ lục vẫn “ế” không người mua

11-01-2022 - 10:30 AM | Thị trường

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề nhưng không khí bán vé tàu Tết, vé máy bay dịp Tết vẫn im lìm và gần như bất động do tâm lý khách e dè nghe ngóng tình hình dịch bệnh…

Vé máy giá vài trăm nghìn vẫn “ế”

Theo thông lệ hàng năm, giá vé máy bay Tết Nguyên đán, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP.HCM luôn “neo” ở mức cao, thậm chí là trần, 6 - 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi và đã được các “thượng đế” săn tìm từ vài tháng trước Tết.

Vé tàu, vé máy bay dịp Tết Nhâm Dần thấp kỷ lục vẫn “ế” không người mua - Ảnh 1.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề nhưng không khí bán vé tàu Tết, vé máy bay dịp Tết vẫn im lìm và gần như bất động do tâm lý khách e dè nghe ngóng tình hình dịch bệnh…

Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng lượng vé các chặng bay vẫn còn rất nhiều. Không chỉ giá vé thấp mà số lượng chuyến bay cũng rất dồi dào với đa dạng giờ bay cho hành khách lựa chọn, khác hẳn tình trạng khan hiếm thời gian trước khi mà các hãng bay đều được phép tăng tần suất sau thời gian mở bay trở lại.

Trên nhiều kênh bán vé trực tuyến, nếu đặt vé Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP.HCM vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé khứ hồi khoảng 3,7 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí).

Nếu chọn bay Vietjet hạng phổ thông (không được đổi tên hành khách, chỉ có 7kg hành lý xách tay, hành lý ký gửi khách phải mua thêm, nếu thay đổi chuyến bay, ngày bay, hành trình bay khách phải trả tiền phí thay đổi cũng như chênh lệch tiền vé nếu có), khách hàng sẽ chỉ phải trả khoảng 3,1 triệu đồng/vé khứ hồi.

Cũng trên hành trình TP Hồ Chí Minh – Hà Nội, cùng ngày bay như trên, nếu chọn bay Bamboo Airways, hành khách sẽ phải trả khoảng 4,4 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi hạng phổ thông.

Vé tàu, vé máy bay dịp Tết Nhâm Dần thấp kỷ lục vẫn “ế” không người mua - Ảnh 2.

Vé máy bay Tết Nguyên đán đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trước đó, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (khoảng 20.000 chuyến bay với hơn 3,6 triệu ghế cung ứng).

Tuy nhiên để tránh việc thừa tải cung ứng, cũng như lãng phí nguồn lực của các hãng hàng không, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bước đầu, việc cung ứng trong giai đoạn này sẽ ở mức 70 - 75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trong đó, các hãng chú trọng vào các đường bay trục, các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương phía Bắc như: Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng và các đường bay đến các điểm du lịch như: Phú Quốc, Nha Trang, Bình Định, Lâm Đồng…

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trên cơ sở số liệu bán và đặt chỗ thực tế của từng đường bay cụ thể, cơ quan này sẽ phối hợp với các hãng hàng không rà soát, xem xét nhu cầu tăng tải cung ứng của từng đường bay, đề xuất, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định.

Vé tàu, vé máy bay dịp Tết Nhâm Dần thấp kỷ lục vẫn “ế” không người mua - Ảnh 3.

Không khí mua bán vé tàu tại Ga Hà Nội.

Nguyên tắc là đường bay nào có hệ số sử dụng ghế trên 70% hoặc có lượng đặt chỗ cao (trên 50%) sẽ tăng thêm tải cung ứng để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thêm cái tết buồn của đường sắt

Cũng giống như hàng không, Tết Nguyên đán 2021 ngành đường sắt từng chứng kiến vé tết ế kỷ lục, nhưng đến Tết năm 2022 còn thê thảm hơn khi tới thời điểm này, các nhà ga vẫn vắng tanh, rất ít hành khách đến mua vé.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng 210.000 chỗ cho cả trước và sau Tết. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tính đến ngày 6/1, toàn ngành bán được hơn 23.900 vé.

Cụ thể, vé bán cho hành khách đi tàu Thống nhất từ ngày 20/1 đến ngày 13/2/2022 là hơn 17.300 vé; Vé tàu khu đoạn là hơn 6.600 vé. Ngoài số vé đã bán, thanh toán thành công, còn lượng lớn vé đặt chỗ qua web, qua các ứng dụng bán vé trên điện thoại.

Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, lượng vé bán ra trên hệ thống từ ga Hà Nội đi các ga mới chỉ đạt 10 - 15% so với lượng vé bán ra cùng kỳ các năm trước.

Vé tàu, vé máy bay dịp Tết Nhâm Dần thấp kỷ lục vẫn “ế” không người mua - Ảnh 4.

Tết Nguyên đán 2021 ngành đường sắt từng chứng kiến vé tết ế kỷ lục, nhưng đến Tết năm 2022 còn thê thảm hơn khi tới thời điểm này, các nhà ga vẫn vắng tanh, rất ít hành khách đến mua vé.

Đây là con số rất thấp so với các đợt mở bán vé tết nhiều năm nay, song cũng là kịch bản đã được dự đoán trước.

“Hai năm trở lại đây, người dân ít mua vé tàu sớm do lượng vé nhiều, ngoài tàu hỏa còn rất nhiều lựa chọn như ô tô, máy bay giá rẻ. Đa số hành khách thường mua vé gần sát tết nên lượng vé mở bán sớm không bán được nhiều. Năm ngoái, sát tết bất ngờ bùng dịch hành khách ào ào đến các ga trả vé, thì năm nay dịch kéo dài suốt cả năm khiến mọi người đều ngại mua vé tết”, bà Đào chia sẻ.

Theo bà Đào, phần lớn hành khách đi tàu Tết các chặng ngắn như Hà Nội - Vinh/Đồng Hới/Đà Nẵng.

"Khác với mọi năm là nhiều gia đình đã mua vé nguyên khoang 4 hoặc 6 giường để đảm bảo phòng dịch tốt hơn. Mỗi tàu đã có 4-5 khoang được khách đặt", bà Đào nói.

Đánh giá nguyên nhân tốc độ bán vé chậm, bà Phạm Thị Anh Đào cho rằng khách đi tàu chờ đợi diễn biến dịch vì nhiều tỉnh thành có thể thay đổi cấp độ dịch, yêu cầu khách cách ly khi về quê. Người dân e ngại mua vé sớm lại phải đổi trả mất phí, do đó đến sát ngày nghỉ Tết thì mới mua.

Ngoài ra, nhiều công nhân khu công nghiệp phía Nam đã về quê từ giữa năm và chưa quay lại. Cùng với đó, sinh viên chưa đi học tại các thành phố lớn nên lượng hành khách đi tàu này giảm đáng kể.

Theo bà Đào, đường sắt được phép chạy đôi tàu NA1/2 giữa Hà Nội - Vinh song vẫn chưa mở bán vé Tết vì vé tàu Tết đi Vinh trên các đoàn tàu Thống Nhất đang bán cũng còn nhiều.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến ngày 10/12, toàn ngành bán được hơn 6.900 vé cho khách đi tàu giai đoạn 20/1-13/2/2022, doanh thu hơn 8,1 tỷ đồng, mới đạt 19% so với tổng số vé. Trong đó, 4 đôi tàu Thống nhất được hơn 5.780 vé; đôi tàu khu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng được hơn 1.100 vé.

Để thu hút hành khách, ngành đường sắt vẫn giữ giá vé như Tết năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều chính sách như giảm giá cho cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể 2-13%, giảm giá vé tàu khứ hồi.

Riêng với hình thức bán vé tàu nguyên khoang, nguyên toa sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/2/2022, hành khách mua vé cự ly từ 300 km trở lên vẫn được giảm giá 10-15%, được phục vụ suất ăn miễn phí.

Từ ngày 15/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022. Giai đoạn đầu mở bán trước với 5 đôi tàu Tết gồm 4 đôi tàu khách Thống nhất Hà Nội - Sài Gòn SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn SE21/22, cung cấp hơn 36.000 chỗ.

Theo hướng dẫn phòng chống dịch, khách đi tàu hiện không cần xét nghiệm nCoV nếu từ vùng xanh, vàng, cam; chỉ thực hiện nếu từ vùng đỏ, vùng phong tỏa hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Người tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh cần xét nghiệm trong 72 giờ khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Ngoài ra, người đi cần xét nghiệm y tế khi sốt, ho, mệt mỏi, đau họng...

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên