Về với chủ mới, doanh thu quý 1 của Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng 45% lên 34 triệu USD
Theo CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), nhìn chung sản lượng chế biến và doanh thu tăng mạnh từ đầu năm do có dự trữ nguyên liệu và ký trước một số hợp đồng.
Cụ thể, FMC vừa công bố tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2018 với sản lượng sản xuất tôm đạt 3.449 tấn, tăng hơn 45,6% so mức 2.369 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Doanh số mang về 34 triệu USD, tăng 45% so con số 23.4 triệu USD của cùng kỳ.
Trước đó, đại diện Công ty từng chia sẻ: "Tồn kho năm 2017của FMC tăng do có nhiều hợp đồng trong quý 1/2018, trong khi quý 1 rất ít nguyên liệu do đây là thời điểm chuẩn bị ao nuôi nên FMC phải trữ sẵn tồn kho. Công ty đã xuất nhiều trong tháng 1/2018, nhờ đó doanh số tháng 1 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2017".
Mặt khác, dự kiến từ đầu tháng 4 Công ty sẽ tiến hành thả tôm nuôi và có thể kéo dài qua tháng 5 mới dứt điểm. Nhìn chung năm nay thời tiết ổn để tôm phát triển.
Điểm lại về FMC, tháng 11/2017, Hùng Vương (HVG) đã chính thức rút khỏi Sao Ta để nhường chỗ cho Thủy sản Bến Tre (ABT) và PAN Group (PAN). ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của FMC đã cho thấy bước đổi thay lớn trong cơ cấu quản trị. Trong đó, người của ABT và Pan Group (chiếm lần lượt trên 20% và 30% vốn FMC) là bà Nguyễn Thị Trà My (Phó Chủ tịch) và ông Đặng Kiết Tường vào HĐQT, ông Nguyễn Văn Nguyên vào Trưởng Ban kiểm soát. Những vị trí chủ chốt còn lại vẫn do người cũ đảm đương.
Với bộ máy vừa mới vừa cũ, năm 2018, FMC đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ đạt 4,350 tỷ đồng (tăng gần 34% so năm 2017); lợi nhuận trước thuế ít nhất 140 tỷ đồng (giảm nhẹ so mức 142 tỷ đồng năm 2017) và cổ tức 20% tiền mặt.
Được biết, hiện Công ty có vùng nuôi 160ha thuộc đất dự án. Ban đầu FMC nuôi tôm từng bước để tích lũy kinh nghiệm và từ từ hoàn thiện quy trình chăn nuôi. Năm qua Công ty đã thả nuôi 3/5 diện tích đất và năm nay nuôi hết 5/5 diện tích đất. Nguyên liệu từ vùng nuôi chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của Công ty. Trong khi đó, ngành chế biến thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào tình hình nguyên liệu vì tôm cần thời gian và có tính thời vụ. Thêm vào đó, hiện công suất chế biến các nhà máy chỉ khoảng 50%. Để tăng công suất chế biến phải có sự tính toán mang tính rủi ro là chuẩn bị nguyên liệu trữ kho.