VEPR: Nhiều ngân hàng ngoại thoái vốn cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam đang suy giảm
Báo cáo của VEPR đã nhấn mạnh về môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam với tình trạng nhiều ngân hàng nước ngoài thoái vốn và thu hẹp hoạt động ở Việt Nam trong thời gian qua.
- 11-07-2017VEPR: NHNN hạ lãi suất điều hành là một bước đi đúng
- 10-07-2017"Việc giảm các lãi suất điều hành khó có thể coi là động tác nới lỏng tiền tệ"
- 10-07-2017Các ngân hàng sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất
- 10-07-2017Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 10/7
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), một điểm đáng lưu ý trong thời gian qua là tình trạng nhiều ngân hàng nước ngoài thoái vốn và thu hẹp hoạt động ở Việt Nam. Điều này cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị.
Bàn luận về tình hình lãi suất, báo cáo của VEPR cho hay, lãi suất huy động duy trì khá ổn định, chỉ tăng nhẹ đối với các gói huy động dài hạn tại một số NHTM lớn nhằm cải thiện nguồn vốn trung và dài hạn. Lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Trong khi đó, lãi suất huy động ngắn hạn và trung hạn lần lượt nằm trong khoảng 4,5%-5,4% và 5,4%-6,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều biến động trong quý, phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với các gói vay kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với các gói vay trung và dài hạn.
Những điều kiện này kết hợp với mức lạm phát thấp khiến NHNN đã quyết định hạ lãi suất điều hành vào ngày 10/7/2017. Theo đó, các loại lãi suất điều hành đồng loạt hạ 0,25 điểm phần trăm và trần lãi suất cho vay cũng giảm 0,5 điểm phần trăm. Điều này giúp cho mặt bằng lãi suất có cơ hội giảm trong thời gian tới.
"Như đã khuyến nghị trong những quý trước, chúng tôi cho rằng đây là một bước đi đúng, tạọ điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển", VEPR nhận định.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của IMF, tín dụng của Việt Nam vào cuối năm 2016 đã tương đương với 124% GDP, cao hơn so với các nước ASEAN-5, các nước thu nhập trung bình khác và đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Tỷ lệ này hiện đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do đó có thể dẫn đến những rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng và lạm phát. Bên cạnh đó, việc mở rộng cung tiền quá nhanh trong giai đoạn vừa qua đã khiến tỷ lệ M2/GDP đã tăng lên 146% năm 2016, sô với tỷ lệ 80% năm 2006 và 114% năm 2010.
Do đó, VEPR khuyến cáo NHNN vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới, khi chinh sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Ngoài ra, theo nhận định của báo cáo này, trên thị trường tài chính, tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009.
Đây là một thức tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất.
Để bình ổn, NHNN có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018.
VEPR đưa ra lưu ý về khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường, dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này (thị trường chứng khoán tăng nhanh, trong khi thị trường bất đổng sản có dấu hiệu chững lại).