MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VEPR: Việt Nam chưa có tiến triển nhiều trong việc đa dạng hóa thị trường thương mại

Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm-2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), do Covid-19 lây lan mạnh trên toàn thế giới, bao gồm cả các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo cáo cho biết: Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 5,46 tỷ USD; khu vực trong nước nhập siêu 8,59 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu tỷ 14,05 tỷ USD. Mặc dù thương mại quốc tế vẫn có thặng dư, sự sụt giảm xuất khẩu đi kèm rủi ro về việc sụt giảm nguồn cung ngoại tệ và các tác động lên dự trữ ngoại hối. 

Tính đến tháng Tư năm 2020, dự trữ ngoại hối đạt 8,4 tỷ USD, đủ để điều hành tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo VEPR, SBV cần cân nhắc đến trường hợp dịch bệnh còn kéo dài và xuất nhập khẩu chưa phục hồi để có các biện pháp phù hợp ổn định kinh tế vĩ mô. 

Trong Quý 2/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 59,55 tỷ USD, giảm 6,47% so với Q2/2019. Tính tới hết tháng 06/2020, Việt Nam xuất khẩu 122,79 tỷ USD, chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ, chủ yếu do khu vực FDI suy giảm xuất khẩu, trong khi khu vực trong nước vẫn giữ được mức tăng ổn định.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu với 10,39 tỷ USD trong Quý 2, chiếm 17,45% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,75% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đó là các mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 9,08 tỷ USD, giảm 20,09%; hàng dệt may đạt 6,15 tỷ USD, giảm 22,8%. 

Nhìn chung, xuất khẩu trong nước vẫn phụ thuộc nhiều phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Ngay sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, chỉ riêng trong Quý 2, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo với trị giá đạt 1,016 tỷ USD - mức trị giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; tăng 21% so với cùng kỳ.

Biến đổi khí hậu, mưa đá, hạn hán, nạn châu chấu hoành hành khắp các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp tại các nước này, làm suy giảm nguồn cung trên thị trường nông sản thế giới. 

VEPR nhận định: Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng khắp các thị trường nhập khẩu lớn. Chính phủ cần có các biện pháp đúng đắn, tận dụng triệt để cơ hội này. 

Quý 2 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị cao nhất với 13,4 tỷ USD, chiếm 23,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 10,67% so với cùng kỳ. Tiếp theo là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,58 tỷ USD, giảm 5,43%; vải các loại đạt 2,89 tỷ USD, giảm 21,73%.

Một điều đáng chú ý là trong khi nhập khẩu của đa số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu mặt hàng máy tính, điện thoại và linh kiện tăng. Xuất khẩu mặt hàng máy tính sang Trung Quốc chiếm xấp xỉ 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này, và xuất khẩu điện thoại & linh kiện sang Trung Quốc tăng đột biến. 

VEPR khuyến nghị: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang và một số quốc gia, tiêu biểu là Mỹ, có những chính sách hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, Việt Nam cần lưu ý về khả năng trở thành thị trường tạm nhập tái xuất, đi kèm rủi ro chịu các biện pháp trừng phạt thương mại từ các nước đối tác. 

Xét theo thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 19,66 tỷ USD, tăng 17,4% nhờ xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng mạnh, đạt 3,7 tỷ USD, tăng 146% so với cùng kỳ và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 5,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ).

Xét theo thị trường nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,92 tỷ USD, giảm 2,2% (so với cùng kỳ). Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,78 tỷ USD, giảm 10%. Nhật Bản đạt 9,43 tỷ USD, tăng 5,3%; Hoa Kỳ đạt 7,04 tỷ USD, tăng 7,2% v.v. So sánh với các quý trước, có thể thấy, Việt Nam chưa có tiến triển nhiều trong việc đa dạng hóa thị trường thương mại, VEPR nhận xét.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên