img

Tiềm năng tài chính của Trung Đông là rất lớn. Về dầu mỏ, khu vực này chiếm tới 61,5% trữ lượng trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng xuất khẩu dầu mỏ thì họ đã thu được một nguồn tài chính khổng lồ. Các nước này lại hầu như không sản xuất lương thực và hàng hóa mà nhập khẩu tất cả mọi thứ từ cái tăm, cây kim, sợi chỉ…

Một phần nguyên nhân là do địa hình nhưng một phần là họ có suy nghĩ không cần thiết phải đầu tư vào những ngành sản xuất trong khi có nguồn tài chính dồi dào để nhập khẩu hàng hóa, thậm chí là những mặt hàng tốt nhất.

Ở trong khu vực này, nhiều nước lại có quan hệ rất tốt với Việt Nam. Trong chiến tranh, đa số các nước ủng hộ Việt Nam rất mạnh, như Iraq thời ông Saddam Hussein ủng hộ Việt Nam rất nhiều về cả vật chất và tinh thần, rồi Libya, Algeria, Ai Cập… họ cũng rất cần hàng hóa. Vậy tại sao mình không xâm nhập vào thị trường này?

Xuất phát từ ý tưởng đó nên khi được cử đi làm Đại sứ tại Iraq, tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường để đưa hàng hóa của Việt Nam sang.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 1.

Năm 1995, khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ tại Iraq là thời điểm khó khăn nhất. Mỹ và quốc tế cấm vận Iraq, hoàn toàn không có bất cứ một thứ hàng hóa, lương thực, thực phẩm nào, từ gạo cho đến bánh mì, thịt cá… Lúc bấy giờ, một đất nước có nguồn tài chính mạnh như vậy mà phải dùng đến tem phiếu, mỗi người được nhận vài cân gạo, mấy lạng chè…

Khi tôi trình Quốc thư xong, Bộ trưởng Thương mại có gặp tôi, nhờ ta giúp họ một tàu gạo và xin thanh toán sau. Ông ấy nói: "Iraq đang hết sức khó khăn, chỉ những nước bạn như Việt Nam mới có thể giúp được. Chúng tôi đề nghị hiện nay Việt Nam có một tàu gạo nào trên đường giao cho một nước nào đó thì rẽ vào cảng Basra giúp đỡ chúng tôi".

Lúc ấy cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo. Tình cờ là trước khi đi nhiệm kỳ, tôi đã có quen biết bà Cao Thị Hảo, Tổng giám đốc của Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Khi tôi chuẩn bị nhiệm kỳ đầu tiên ở Iraq, bà Hảo có nhắn tôi cố gắng để hỗ trợ xuất khẩu gạo vì thời điểm đó chúng ta mới mở cửa, tìm thị trường cho hạt gạo Việt Nam hết sức khó khăn. Trong hành trang của tôi mang sang Iraq lúc ấy có một số mẫu gạo của Vinafood 1.

Ngay lập tức, tôi "bốc" máy và gọi về cho bà Hảo. Tuy vậy, đây cũng là một quyết định vô cùng khó khăn. Một tàu gạo vào khoảng 25 - 30.000 tấn, giá trị 5 - 7 triệu USD lúc đó là một khoản tiền lớn, giao một tàu gạo như thế mà không được thanh toán ngay vẫn là một tình thế hết sức khó khăn.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 2.

 Tôi cố gắng thuyết phục bà Hảo: "Iraq đã giúp ta rất nhiều, cho ta vay 4 triệu tấn dầu thô, đồng thời viện trợ không hoàn lại 40 vạn tấn nữa nhân dịp ta giải phóng miền Nam. Số tiền ấy đến lúc đó mình vẫn chưa trả xong. Trong lúc mình khó khăn, họ sẵn sàng giúp, bây giờ họ khó khăn thì mình không thể từ chối được".

Bà Hảo rất băn khoăn. Tôi tiếp tục thuyết phục: "Bà yên tâm. Người Ả Rập rất thật thà và tình cảm. Ai đã từng giúp đỡ thì họ sẽ không quên và sẽ báo đáp. Hơn nữa, đây lại là lời hứa từ một quan chức chính phủ."

Cuối cùng bà ấy đồng ý.

Khi tàu gạo Việt Nam đầu tiên đến Iraq, các cơ quan của chính phủ, quần chúng nhân dân cảng Basra và truyền thông Iraq đón tiếp rất trọng thị. Được mời dự lễ đón tiếp con tàu đầu tiên của Việt Nam cập cảng Iraq được đón tiếp nồng nhiệt, tôi cảm thấy hết sức phấn khởi và tự hào. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu thuận lợi cho nhiệm kỳ của tôi tại Iraq.

Sau đó, Liên hợp quốc đã thông qua "Chương trình đổi dầu lấy lương thực", cho phép Iraq xuất khẩu dầu để dùng số tiền thu được mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa nhân đạo cho Iraq. Khoản tiền thanh toán tàu gạo đầu tiên đó cũng được Liên hợp quốc chi trả. Từ đó đến khi cuộc chiến của Mỹ chống Iraq năm 2003, Việt Nam trở thành nhà cung cấp gạo hầu như duy nhất cho Iraq với khoảng 750.000 tấn và có lúc lên tới gần 1 triệu tấn/năm.

Kể từ bước ngoặt này, hoạt động thương mại mở ra với Iraq trở nên hết sức nhộn nhịp. Rất nhiều các loại hàng hóa của Việt Nam đưa sang như chè của Vinatea, xà phòng, bột giặt Lix, Daso, dầu ăn Vocarimex, sữa Vinamilk, máy bơm nước Hải Dương, máy phát điện Vinappro, quần áo của Dugaco, bút chì, sách vở, giấy viết, lốp ô tô, ắc-quy ô tô Đồng Nai, cáp quang VNPT… Trong đó, mặt hàng chủ chốt là gạo, sữa và chè.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 3.

Câu chuyện đưa sữa Vinamilk sang Iraq cũng là một câu chuyện thú vị. Những năm 90 của thế kỷ trước, rất ít nước biết là Việt Nam có sản xuất sữa. Tôi mới đến gặp bà Mai Kiều Liên, đề xuất bà gửi tặng Iraq sữa của Vinamilk, vừa là giúp đỡ họ trong lúc khó khăn, vừa là một cách tiếp thị sữa Việt.

Vinamilk đồng ý tặng 2 container sữa. Sau khi Iraq có phản hồi tốt thì lúc bấy giờ ta bắt đầu xuất khẩu sữa sang nước bạn. Thời điểm cao nhất là là ký được 50.000 tấn sữa/năm.

Lúc đó, Iraq bị cấm vận hàng không, các chuyến bay riêng vẫn được cấp phép nhưng phải thông qua Liên hợp quốc, chỉ có đường bộ thì không bị cấm vận, vì vậy, các doanh nghiệp và Đại sứ đều phải bay đến thủ đô Amman của Jordan, rồi đi tiếp 1000km đường bộ về thủ đô Baghdad của Iraq. Dù phải đi một quãng đường dài nhưng các doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì đi là ký được hợp đồng. Các hợp đồng này được Liên hợp quốc thông qua, và toàn bộ các khoản thanh toán đều được Liên hợp quốc chi trả.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 4.
Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 5.

Cuối năm 1998, Mỹ bắn hàng loạt tên lửa vào nhiều thành phố, cơ sở của Iraq. Lúc này, một đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm 25 người do ông Lê Huy Côn, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp dẫn đầu, trong đó là có bà Mai Kiều Liên, Cao Thị Hảo cùng nhiều doanh nghiệp khác sang Iraq.

Khi đoàn đến biên giới Jordan - Iraq thì Mỹ bắt đầu tấn công tên lửa vào thủ đô Baghdad. Cả đoàn hỏi tôi có nên đi tiếp vào Baghdad không?

Sau khi cân nhắc tình hình, nhận định việc Mỹ bắn tên lửa đều có mục tiêu xác định và sẽ không nhắm vào các cơ quan ngoại giao, tôi đề xuất bố trí tất cả đoàn ở trong sứ quán. Mọi người đều đồng ý.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 6.

Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq trong giai đoạn căng thẳng. Ảnh: NVCC

Sứ quán diện tích không lớn, tôi huy động anh em đi mua thêm chăn ga, gối đệm, bố trí chỗ ngủ cho cả đoàn. Toàn bộ 25 người phải nằm rải rác ở hành lang và phòng khách sứ quán. Sứ quán chỉ có vài cán bộ, mỗi người một tay, một chân đóng góp vào việc giúp đỡ đoàn từ chuyện mua bán thực phẩm, nấu nướng, ăn uống cho đến đi lại... Mặc dù khó khăn, tất cả mọi người đều vui.

Khi các doanh nghiệp của mình gặp, làm việc với phía Iraq ngay dưới tầng hầm của toà nhà Bộ Công nghiệp thì tên lửa Mỹ cũng đang bay trên đầu. Khi ra khỏi toà nhà, chúng tôi vẫn nhìn thấy các tên lửa bắn vào các mục tiêu trong thành phố, khói bốc lên nghi ngút. Sau sự việc này, Chính phủ Iraq đã dành nhiều hợp đồng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì không có nước nào trong lúc khó khăn, nguy hiểm như vậy mà lại đến với Iraq.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 7.
Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 8.

Công tác tại Iraq một thời gian, tôi nhận thấy quốc gia này có nguồn nước dồi dào của hai con sông Tigris và Eufrat. Trong một cuộc gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Iraq, tôi đã đề đạt với ông là Việt Nam sẵn sàng giúp Iraq sản xuất lúa gạo và công việc này chắc chắn sẽ thành công bởi vì Việt Nam có kinh nghiệm và Iraq có đầy đủ điều kiện để có thể tự túc được về lương thực.

Bộ Nông nghiệp Iraq rất hưởng ứng ý tưởng này và dành một diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh Al-Najaf cho dự án này. Sau đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp của ta (VASI) đã cử các chuyên gia giỏi mang theo lúa giống để triển khai dự án thí điểm này.

Kết quả vô cùng bất ngờ. Vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất lên tới 8 - 10 tấn/ha/vụ. Khu đó sau này trở thành nơi sản xuất thóc giống phân phát cho nông dân Iraq.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 9.

Cánh đồng lúa do chuyên gia nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ tại Najaf, Iraq. Ảnh: NVCC

Ngoài dự án trồng lúa giống, ta còn giúp Iraq một dự án mía đường và một dự án trồng đậu tương. Lúc sang Iraq, tôi có mang mấy khẩu mía giống và đậu tương sang trồng trong khu vườn của Đại sứ quán. Cả mía và đậu tương đều sinh trưởng rất tốt. Lúc bấy giờ tôi mới mời Bộ trưởng Nông nghiệp của bạn đến xem và nói: "Iraq hoàn toàn có thể sản xuất được mía đường và đậu tương với sự giúp đỡ của Việt Nam." Phía bạn cũng đã dành cho ta một khu đất ở Al-Dhuluyia và Ishaqi để trồng thí điểm. Cả hai dự án đều cho kết quả rất khả quan.

Chính phủ và người dân Iraq hết sức cảm động và đánh giá cao cử chỉ tình nghĩa này của Việt Nam. Họ cho rằng, trên thế giới Việt Nam là nước duy nhất vừa xuất khẩu lương thực lại vừa giúp nước nhập khẩu tự túc được các sản phẩm này.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 10.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai đi thăm dự án trồng lúa tỉnh Najaf cùng Thứ trưởng Nông nghiệp Iraq và các chuyên gia Việt Nam. Ảnh: NVCC

Người Ả rập nói chung rất tình cảm và bao giờ cũng ghi nhớ, đáp lại lòng tốt của bạn bè. Chính vì sự giúp đỡ, hỗ trợ của ta với Iraq trước đó mà năm 2002, trong chuyến công tác cuối trước khi nghỉ hưu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Iraq đã tuyên bố xóa nợ cho Việt Nam.

Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, chúng ta vô cùng khó khăn. Tháng 10/1975, bà Bình đến Iraq với nhiệm vụ vận động chính phủ Iraq cho vay dầu. Ông Saddam Hussein, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ huy Cách mạng, đã tiếp bà.

Khi nghe bà trình bày những khó khăn của Việt Nam sau giải phóng, ông đã quyết định tặng Việt Nam 400.000 tấn dầu, coi đây là món quà gửi nhân dân miền Nam nhân ngày chiến thắng, đồng thời cho vay thêm 1,5 triệu tấn.

Theo hiệp định vay nợ, năm 1979 ta bắt đầu phải trả nợ đợt đầu tiên cho Iraq. Tuy nhiên, do bị tiếp tục bao vây cấm vận trong suốt những năm tiếp theo, cũng như phải đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, chúng ta vẫn chưa thể trả được nợ.

Khoản nợ này đến năm 2002, gần đến lúc bà Bình chuẩn bị về hưu, chúng ta vẫn chưa trả xong. Vì vậy, bà có đề xuất muốn gặp lại ông Saddam Hussein, là người đã ký cho Việt Nam vay nợ. Năm 2002 là thời điểm ngay 1 năm trước khi xảy ra chiến tranh Iraq, quan hệ giữa Mỹ và Iraq vô cùng căng thẳng. Đây cũng là lúc Việt Nam và Mỹ đang đàm phán Hiệp định thương mại song phương (BTA). Một đoàn cấp cao thăm Iraq thời gian này, về mặt đối ngoại cũng có những nhạy cảm nhất định.

Tuy nhiên, bà Bình và đoàn công tác của ta vẫn lên đường vì chuyến đi này hoàn toàn mang tính quan hệ song phương với Iraq. Gặp ông Saddam, bà Bình đã cám ơn ông và nhân dân Iraq đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cho Việt Nam vay dầu để giải quyết khó khăn sau giải phóng. Bà cũng trải lòng là đến nay bà sắp về hưu mà đến vẫn chưa trả được hết nợ cho Iraq.

Ông Saddam nói ngay: "Mong bà về nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ và không phải suy nghĩ gì cả. Từ giờ phút này trở đi Việt Nam không còn nợ gì với Iraq nữa".

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 11.

Bà Bình không tin ông Saddam lại có quyết định ngay như vậy, quay sang hỏi tôi có đúng như vậy không vì tôi trực tiếp dịch buổi gặp gỡ này.

Saddam là người rất tinh ý. Ông hiểu ngay và nói tiếp, chiều nay ông sẽ cử Phó tổng thống Taha Yassin Ramadan đến nơi ở của bà Bình để ký biên bản thỏa thuận về vấn đề này.

Đúng 5 giờ chiều, ông T. Y. Ramadan, lúc đó là Phó Tổng thống, đến và cầm theo biên bản thỏa thuận được in sẵn, ghi rõ Iraq xóa toàn bộ số nợ cho Việt Nam. Câu chuyện này cũng được bà Bình kể lại trong hồi ký của mình.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 12.

Việc hợp tác giữa 2 nước tiến triển thuận lợi nhưng đến khi Mỹ tấn công lật đổ chính quyền Iraq thì tất cả các hợp đồng đã ký đều bị ngừng lại, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Iraq hầu như bị đình trệ, chỉ có Vinamilk sau này vẫn tiếp tục xuất khẩu sữa sang Iraq.

Thời điểm ấy với tôi cũng có một kỷ niệm buồn. Khi chính quyền Iraq bị lật đổ, Việt Nam còn một hợp đồng cung cấp cho Iraq 35.000 tấn chè đen đã ký với chính quyền cũ mà chưa thực hiện được. Trong khi đó, chính quyền Iraq chưa thành lập, tất cả các bộ đều do người Mỹ phụ trách, gọi là chính quyền chuyển tiếp, không hề nắm được các hợp đồng mà chính quyền cũ đã ký.

Nếu họ không nhận thì 35.000 tấn chè này không biết sẽ xử lý thế nào vì trong nước ta không dùng chè đen, khối lượng chè này, nếu không tiêu thụ được sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà máy chè của ta. Chính phủ cử tôi làm trưởng đoàn sang gặp chính quyền chuyển tiếp làm việc. Sau chuyến làm việc này và một số trao đổi, cuối cùng chương trình thực thế giới (PAM) đồng ý nhận lô chè nói trên, vấn đề coi như được giải quyết.

Tuy nhiên, kỷ niệm đau buồn là trong chuyển công tác đó, một trong 2 chiếc xe chở đoàn công tác đã gặp nạn, khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có Tổng Giám đốc công ty chè Vinatea và 2 cán bộ thương vụ của sứ quán.

Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 13.
Vị Đại sứ Việt Nam bảo lãnh Iraq mua chịu gạo và cuộc đàm phán dưới màn tên lửa - Ảnh 14.
Đoàn Lan Hương
Thanh Phạm, NVCC
Bạch Quả
12/08/2022 00:00

Đoàn Lan Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên