MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì đâu Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh nhưng không nguy hiểm?

07-10-2018 - 15:37 PM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn FDI phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng. Lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm. Chia sẻ Tweet

Dự báo này được đưa ra trong báo cáo kinh tế về Việt Nam do Ngân hàng SCB vừa xuất bản với tựa đề “Vietnam – Fast, not furious, growth” (Tạm dịch: Việt Nam – tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm)

Ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered , cho biết: “Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm, trong đó Quý II có chậm lại một chút so với mức 7,4% của Quý I, điều này phù hợp với dự báo của SCB".

Theo ông Chidu, kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra đến nay, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng trong Quý II chậm hơn Quý I, SCB tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững trong trung hạn. SCB kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù chậm hơn một chút so với nửa đầu năm.

Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 – giống như năm 2017. SCB lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao.

Theo báo cáo kinh tế, lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ có năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm nay và tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm, trong khi đó, lĩnh vực xây dựng bị chậm lại do mức tăng trưởng thấp ở mảng bất động sản.

Xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2018 được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dù thấp hơn so với năm 2017, mang đến cho Việt Nam thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngân hàng Standard Chartered duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm, và vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn.

Báo cáo cũng nhận định mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước, sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của cả năm 2018. Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, sau khi đạt mức tăng 7% trong nửa đầu năm.

Sự phát triển của mảng dịch vụ thuê ngoài (business process outsourcing – BPO), được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt và chi phí thấp, sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong trung hạn.

Nâng dự báo tỷ giá VND/USD lên 23.400 vào cuối 2018

Về triển vọng ngoại hối, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tỷ giá VND/USD lên 23.400 đồng vào cuối năm 2018, và dự đoán đồng VND sẽ mất giá nhẹ trong đầu năm 2019 trước khi tăng giá nhẹ so với đồng USD vào cuối năm 2019 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực ở cả trong lẫn ngoài nước.

Một số điểm nổi bật về Việt Nam theo Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered: Tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2018 và 6,9% trong năm 2019; Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 18-20% trong năm 2018, dẫn đầu là xuất khẩu hàng điện tử; Lạm phát đạt trung bình 3,7% năm 2018, và sẽ tăng lên 5% trong năm 2019.

Ngân hàng SCB dự báo tỷ giá VND/USD sẽ đạt 23.300 vào cuối 2019 và 22.700 vào cuối 2020.

Theo Hồng Quân

BizLive

Trở lên trên