MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 năm, Hà Nội có thêm 50.000 nhân khẩu

Sáng 8/6, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Cư trú.

Khắt khe?

Điểm nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn cả là quy định: Để đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc trung ương, công dân phải tạm trú ít nhất 1 năm ở huyện, thị xã hoặc 2 năm ở quận của các thành phố này (tăng thêm 1 năm so với trước đây).


ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) đánh giá quy định này là quá khắt khe và không hợp lý, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Ông Ươi đặt câu hỏi: Trong trường hợp người dân chưa từng tạm trú ở một quận nhưng họ sở hữu nhà ở hợp pháp và là chủ sở hữu của ngôi nhà trên địa bàn quận đó thì sẽ được giải quyết thế nào?

“Theo tôi, quy định cần tạm trú 1-2 năm trở lên mới được đăng ký thường trú là không cần thiết, làm khó người dân. Điều kiện trên chỉ có thể hạn chế nhập khẩu chứ không thể hạn chế nhập cư như mục tiêu của luật. Vì không thường trú được công dân sẽ chuyển sang tạm trú để chờ đợi”, vị ĐB nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng những lý giải của cơ quan làm luật về việc tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm mới được đăng ký thường trú là không thuyết phục.

Theo lý lẽ của cơ quan soạn thảo (Bộ Công an), năm 2012 Công an TP Hà Nội đã đăng ký tạm trú vào mới cho 51.326 trường hợp. Do đó, nếu giữ quy định thời gian tạm trú là 1 năm thì năm nay sẽ có 51.326 trường hợp được đăng ký thường trú vào các quận của Hà Nội.

Như vậy trung bình mỗi năm sẽ có khoảng trên 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú ở Thủ đô, gây nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công không thể đáp ứng kịp dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm, việc quản lý trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn.

Nhưng nếu tăng thời gian tạm trú từ 1 lên 2 năm thì trung bình 2 năm mới có khoảng hơn 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú, nghĩa là sức ép về gia tăng dân số cơ học giảm đi một nửa.

Trước những lý lẽ này, ĐB Tám phân tích: “Nếu tăng thêm 1 năm, 50 nghìn trường hợp đó không được đăng ký thường trú nhưng họ vẫn hiện diện ở thành phố. Sức ép gia tăng cơ học không giảm trên thực tế mà chỉ giảm trên phương diện thống kê”.

Ông Tám cũng thẳng thắn: “QH chia sẻ khó khăn trong quản lý nhân khẩu nhưng phải có giải thích rõ ràng hơn, giải thích thế này chưa thể thuyết phục được”.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), để tránh sức ép về phân bố dân cư không đồng đều gây mất cân bằng an sinh xã hội thì cần làm nhiều biện pháp như đồng đều về kinh tế chứ không riêng gì vấn đề hộ khẩu.

Các ĐB cũng đề nghị cần làm rõ quy định về điều kiện nhập khẩu, đăng ký thường trú trong những trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp như cha mẹ về ở với con cái hoặc ngược lại hay về ở với người thân, các quy định về diện tích bình quân v.v… để tránh gây khó khăn trong thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Theo Cẩm Quyên

cucpth

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên