MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10.000 tỷ đóng tàu vỏ sắt: Vinashin mới đã có hợp đồng

Sáng 10/6, tại Bình Định, UBND tỉnh và SBIC (tiền thân là Vinashin) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu vỏ thép cho ngư dân.

SBIC có hợp đồng tàu cá với ngư dân Bình Định

Theo thông tin từ tờ Quân đội nhân dân, sáng 10/6, tại Bình Định, UBND tỉnh Bình Định và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (tiền thân là Vinashin) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân.

Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện nay có hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ với sản lượng từ 180.000 đến 200.000 tấn hải sản mỗi năm, trong đó có khoảng 10.000 tấn cá ngừ đại dương.

Mặc dù sản lượng hải sản cao nhưng giá trị còn thấp, chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa, ít có cơ hội xuất khẩu. Việc tỉnh Bình Định hợp tác cùng SBIC đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân sẽ góp phần bảo đảm cho việc đánh bắt đạt sản lượng, chất lượng cao, đồng thời giúp ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ ký kết hợp đồng tàu cá vỏ thép giữa SBIC và UBND tỉnh Bình Định
Lễ ký kết hợp đồng tàu cá vỏ thép giữa SBIC và UBND tỉnh Bình Định

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho biết, Tổng công ty đã phối hợp với các ngư dân địa phương chủ động xây dựng các mẫu tàu đánh cá vỏ thép theo tiêu chí vừa phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân, vừa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn với chi phí đầu tư thấp nhất.

Trên cơ sở tính toán và xây dựng phương án, được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận, SBIC đã triển khai chương trình đóng 6 tàu mẫu tại 2 nhà máy đóng tàu có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới tàu cá là Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Sông Đào và Công ty Đóng tàu Nha Trang. Cho tới nay, 3 trong số 6 tàu đã được bàn giao cho ngư dân khai thác.

Tại buổi lễ, hợp đồng đóng mới 2 tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh Bình Định đã được ký kết giữa Công ty đóng tàu Cam Ranh thuộc SBIC và ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. SBIC đã tổ chức hội nghị chuyên đề giới thiệu tàu cá vỏ thép, tại UBND xã Tam Quan Bắc đến đông đảo ngư dân.

Còn đó những băn khoăn

Xung quanh câu chuyện Chính phủ mở gói hỗ trợ 10.000 tỷ cho ngư dân đóng tàu cá vỏ thép tiếp tục vươn khơi bám biển, vẫn còn nhiều băn khoăn trắc trở từ phía những người được hưởng ưu đãi trong gói vay này.

Về vấn đề mẫu tàu đánh cá vỏ thép, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ủy viên ban chấp hành nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đại diện cho ngư dân đảo Lý Sơn, nơi cách quần đảo Hoàng Sa chưa đến 200 hải lý cho rằng vẫn còn nhiều bất cập về phía mẫu tàu mà SBIC vừa đưa ra.

"Con tàu mà SBIC đóng ra để hành nghề câu mực đại dương thì được, nhưng với những nghề nghiệp khác thì không phù hợp. Hai nữa là giá thành cũng hơi cao chứ không phải thấp đâu. Ngư dân nếu họ đóng, ví dụ đáng 7 tỷ thì chi phí sẽ chỉ là 5, 6 tỷ và chất lượng thì không hề thua kém." - Ông Nguyễn Quốc Chính nhận định.

Đồng thời, ông Chính cho rằng ngư dân cần được tham gia vào khâu đóng tàu, được đóng góp những kinh nghiệm của mình vào con tàu mà họ phải vay vốn để mua chứ không phải nhận hoàn toàn một con tàu đóng sẵn và họ phải ra khơi trên con tàu xa lạ ấy.

Chuyên gia hàng hải Ngô Khắc Lễ cho rằng mọi sự ký kết vào lúc này là quá vội vàng khi chưa có một hợp đồng mẫu giữa các bên để đảm bảo lợi ích cho ngư dân
Chuyên gia hàng hải Ngô Khắc Lễ cho rằng mọi sự ký kết vào lúc này là quá vội vàng khi chưa có một hợp đồng mẫu giữa các bên để đảm bảo lợi ích cho ngư dân

"Nếu đáp ứng được yêu cầu của ngư dân thì ngư dân có điều kiện trả nợ sớm cho nhà nước. Còn nếu đáng 6 tỷ mà bị chịu giá cao hơn, phải trả những khoản nợ lãng phí như vậy thì vô lý quá, mà chính điều này lại đang làm khó cho ngư dân. Thực tế là ngư dân Lý Sơn không mặn mà về những mẫu tàu được đóng thử nghiệm vừa rồi." - Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết.

Đồng thời, ông Chính cũng cho rằng người ngư dân đang rất cần một cơ chế vay vốn phù hợp, theo đó tất cả những người trên con tàu, từ thủy thủ đoàn cho đến thuyền trưởng đều được vay vốn để cổ đông vào con tàu đó, tuy nhiên chưa có một mẫu hợp đồng nào hỗ trợ cho ngư dân trong chuyện này.

Chung những băn khoăn của chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, chuyên gia hàng hải Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết cần phải có một bản hợp đồng mẫu giữa ngư dân, ngân hàng và bên thứ ba (đóng tàu, kiểm định, bảo hiểm...) để đảm bảo tính an toàn cho cả ngư dân và ngân hàng, tránh trường hợp thất thoát dẫn đến nợ xấu, hoặc chương trình hỗ trợ của nhà nước đưa ra không đáp ứng đúng yêu cầu.

Ông Ngô Khắc Lễ cho rằng cần phải có sự liên kết giữa ngư dân với các công ty luật trong việc ký kết hợp đồng vay vốn để đảm bảo người ngư dân có được quyền lợi cao nhất, tránh trường hợp bị bắt bí bởi bản thân ngư dân không hề hiểu biết về các vấn đề kinh tế, hợp đồng.

>>>Triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân sao cho hiệu quả?

Theo Đỗ Tú

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên