MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

120.000 tỷ đồng/năm cho giảm nghèo có thể chảy vào đâu?

Khoảng 75% nguồn lực chi cho kinh phí sự nghiệp. Trong 5 năm, ở Kon Tum số hộ thoát nghèo là 19.032 hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.529 tỷ đồng, tương đương 305,8 tỷ đồng/năm.

Sau gần 4 tháng kể từ khi Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội – Phạm Thị Hải Chuyền cho biết nguồn lực giảm nghèo bình quân giai đoạn 2008 – 2012 đạt 90.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2011-2013 là 120.000 tỷ đồng/năm, bằng phép toán cơ bản người ra tính được kinh phí giúp một hộ thoát nghèo là 240 triệu đồng/năm và chi phí đã chi cho bộ máy xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2008 – 2011 tương đương giá trị 77 sân vận động Mỹ Đình.

Giật mình với con số 240 triệu đồng/năm và 77 sân vận động Mỹ Đình!

Dĩ nhiên là vậy! Bởi, trong vòng 4 tháng qua, trung tuần tháng 10/2013, “biển” vẫn lặng dù cho cả Bộ trưởng Chuyền và đại diện của Bộ Tài Chính đều công bố về con số nguồn lực dành cho giảm nghèo bình quân lên đến 90.00 tỷ đồng cho giai đoạn trước năm 2013.

“Mấy năm gần đây, kinh tế hết sức khó khăn, nhiều chính sách đã phải cắt giảm nguồn vốn thực hiện nhưng riêng nguồn lực cho giảm nghèo không giảm mà còn tăng. Nếu bình quân trong giai đoạn 2008-2012, chúng ta dành khoảng 90.000 tỷ đồng/năm cho giảm nghèo thì giai đoạn 2011-2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo là 364.000 tỷ đồng, tương đương 120.000 tỷ đồng/năm” – Phạm Thị Hải Chuyền.

Trong khi đó, đại diện của Bộ Tài chính từng công bố cho báo giới biết rằng, giai đoạn 2005-2012, ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ đã bố trí cho chính sách giảm nghèo là khá lớn (trên 700.000 tỷ đồng), trung bình là 90.000 tỷ đồng/năm.

Vậy nguồn lực giảm nghèo chi vào đâu? 

Kinh phí xóa đói giảm nghèo gồm hai phần kinh phí đầu tư phát triển và sự nghiệp. Kinh phí đầu tư phát triển bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng như các công trình điện, đường, trường, trạm. Kinh phí sự nghiệp như các hoạt động đào tạo nghề, cấp vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Chương trình giảm nghèo cơ bản có: Chương trình Mục tiêu QG giảm nghèo, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 62 huyện nghèo, Chương trình trợ giá, trợ cước.

Vậy nguồn lực (kinh phí) cho giảm nghèo chi vào đâu? Chưa thể có phần trả lời xác đáng cho câu hỏi này. Nhưng qua dữ liệu thu thập từ quyết toán NSNN cho Chương trình mục tiêu Quốc gia (một cấu phần của chương trình giảm nghèo bền vững) và báo cáo giảm nghèo của một số tỉnh thành tiêu biểu, chúng ta có thể phác họa được bức tranh chi cho giảm nghèo.

Một, chương trình MTQG chủ yếu dành vốn cho giáo dục – đào tạo, nước sạch nông thôn, xóa đói giảm nghèo, việc làm và chống bệnh xã hội. 

Khoảng 75% kinh phí của chương trình là kinh phí sự nghiệp và 25% là kinh phí đầu tư phát triển. Trong đó, các hoạt động như giáo dục – đào tạo, dân số kế hoạch hóa gia đình, chống bệnh XH, HIV kinh phí sự nghiệp chiếm đa số (80-100%).

Hai, theo báo cáo giảm nghèo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2005 – 2013, toàn tỉnh đã giảm được 143.247 hộ nghèo trong giai đoạn 2006 – 2010; giai đoạn 2011 – 2013 giảm 95.257 hộ nghèo và 18.587 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2013 toàn tỉnh còn 121.833 hộ nghèo (Chiếm hơn 13% số hộ). Tổng kinh phí thực hiện các chương trình từ năm 2005 – 2013 là hơn 4.130 tỷ đồng, tương đương bình quân đạt gần 456 tỷ đồng/năm. 

Ba, theo báo cáo, tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2010 – 2013 đã giảm được 6,25% số hộ nghèo toàn tỉnh từ mức 24,18% (năm 2010) xuống còn 17,93% (năm 2012), tương ứng giảm 10.382 hộ/năm. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2010 – 2013 là 6.044,5 tỷ đồng, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng/năm.

Bốn, báo cáo tổng kết giai đoạn 2006 – 2010 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho thấy, đến hết năm 2010, toàn tỉnh còn 16.791 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,34% so với số hộ toàn tỉnh, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm trong 5 năm là 22,29% (từ 38,63% năm 2006 xuống còn 16,34% năm 2010). Trong 5 năm, số hộ thoát nghèo là 19.032 hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.529 tỷ đồng, tương đương 305,8 tỷ đồng/năm.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, không có sự nhầm lẫn về con số chi cho giảm nghèo hàng năm lên đến 90.000 tỷ đồng/năm giai đoạn trước 2013, và tới đây sẽ tăng hơn 120.000 tỷ đồng/năm; cũng như có thể tin tưởng “không có chuyện bộ máy xóa đói giảm nghèo “ngốn” tiền của người nghèo”. Bởi theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cách tính chia tổng số tiền của Quỹ xóa đói giảm nghèo cho tổng số hộ nghèo là sai lệch.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên