MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

15.000 dự án chậm quyết toán - Trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện có khoảng 15.000 dự án sử dụng vốn Nhà nước chưa thực hiện quyết toán, chiếm 1/4 tổng số dự án đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng.

Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý vốn Nhà nước, đặc biệt là gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Dư luận đặt câu hỏi, sự chậm trễ quyết toán này trách nhiệm thuộc về ai? VỤ TRƯỞNG VỤ ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH PHẠM ĐỨC HỒNG - đơn vị trực tiếp giúp Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát và thực hiện quyết toán vốn đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã trao đổi về vấn đề này.

Thưa Ông, theo thống kê, đến cuối năm 2012 đã có tới 15.000 dự án sử dụng vốn NSNN bị chậm quyết toán. Đến nay, con số này có thể tăng lên nhiều hơn. Cụ thể thì sự chậm trễ này như thế nào?

- Quyết toán dự án hoàn thành cũng là việc lâu nay ít được quan tâm. Trong quản lý dự án có 3 công đoạn. Công đoạn thứ nhất là lập kế hoạch cho dư án, công đoạn thứ hai là thanh toán, công đoạn thứ ba là quyết toán. Nhưng nhiều đơn vị chỉ chú ý đến khâu phân bổ kế hoạch, sau đó thanh toán tiền.

Khâu quyết toán thì mức độ quan tâm hạn chế hơn hai khâu kia rất nhiều. Nhiều công trình làm xong, thanh toán xong tiền là lười làm quyết toán. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến công tác quyết toán rất chậm.

Đến hết năm 2012, tổng hợp sơ bộ cả nước có khoảng 15.000 dự án chưa quyết toán. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành văn bản pháp lý cao. Và Thủ tướng đồng ý ban hành Chỉ thị số 27 về đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành vào cuối năm ngoái.

- Cụ thể thì nhóm dự án do cấp nào làm chủ đầu tư bị chậm quyết toán nhiều nhất, thưa Ông?

- Nhóm chậm nhiều nhất là khối huyện khối xã, khối tỉnh, bộ, ngành chỉ có mức độ thôi. Sau này sẽ có số liệu tổng hợp, tôi đang yêu cầu báo cáo.

- Vậy đâu là điểm nhấn của Chỉ thị 27 thưa Ông?

- Trong chỉ thị này, nêu rất rõ những nội dung cần làm để đẩy mạnh công tác quyết toán hoàn thành. Các bộ, ngành địa phương rà soát hiện nay tồn đọng bao nhiêu. Và tồn đọng đó, nguyên nhân thế nào, trách nhiệm tổ chức cá nhân thế nào. Trường hợp cần thiết có thể thành lập Ban chỉ đạo về công tác quyết toán để làm quyết toán.

Và phải giải quyết tồn đọng quyết toán trong năm 2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 6 năm 2015. Nghĩa là năm 2014 phải làm xong và 6 tháng đầu năm 2015, tất cả các bộ, ngành, 63 tỉnh thành cơ bản xong quyết toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điểm mừng là Chỉ thị có nội dung đẩy mạnh cho tuyên truyền về công tác quyết toán vốn. Tuyên truyền để các cấp, các ngành từ nhà thầu cho đến chủ quản đầu tư hiểu trong dự án, quyết toán là khâu phải làm. Phải làm khâu này mới được trọn vẹn quản lý dự án, chỉ có kế hoạch, dự án thôi còn khâu cuối bỏ lại thì chưa xong.

Dự án chưa xong quyết toán có khi nhà thầu đã giải tán, ban quản lý đi chỗ khác. Có lẽ về quyết toán vốn, phải chục năm mới có chỉ thị này. Chỉ thị cũng nêu một số chế tài để quyết toán chậm xử như nào.

- Vậy sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị 27, tình hình quyết toán vốn của các dự án sử dụng vốn Nhà nước có thay đổi gì không?

- Chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị, hội nghị phía Bắc 22 tháng 4, hội nghị phía Nam 25 tháng 4, chúng tôi tổ chức Hội nghị liên quan đến việc phổ biến Chỉ thị 27 cũng như hướng dẫn nội dung nghiệp vụ công tác quyết toán. Đến nay đã có khoảng 1/3 số tỉnh hoặc bộ có chỉ thị hoặc công văn đôn đốc việc này. Và nhiều tỉnh cũng đã rà soát việc này. Sau khi rà soát sẽ có giải pháp để thực hiện theo kế hoạch, Chỉ thị 27. Số liệu quyết toán được bao nhiêu phải sau kỳ họp Quốc hội mới có tổng hợp.

- Lãnh đạo các địa phương chưa nhận thức hết sự cần thiết của việc quyết toán vốn đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, nhưng chúng ta có quy định về quản lý tài chính, tại sao lại phụ thuộc vào nhận thức của của các chủ đầu tư ở địa phương?

- Có rất nhiều giải pháp, nhưng vấn đề nhận thức được để các đơn vị làm tốt. Thực tế chúng ta cũng có chế tài rồi, và trong Chỉ thị 27 cũng nêu lại, nếu chậm quyết toán từ 24 tháng trở lên, thì chủ đầu tư không được giao dự án mới. Chế tài thứ hai, nếu dự án chậm quyết toán từ 12 tháng thì số vốn còn thiếu không bố trí kế hoạch.

Ví dụ 100 tỷ mà chủ đầu tư mới quyết toán 80 tỷ, còn 20 tỷ chậm thì sẽ không bố trí kế hoạch. Chế tài thứ 3 là nhà thầu vi phạm quyết toán hợp đồng thì không được tham gia đấu thầu. Mục 5 Chỉ thị 27 nói rất rõ.

Tuy nhiên, vẫn là ở người thực hiện, có cho đấu thầu hay không, cho dự án mới hay không, thanh toán tiền hay không thì phải là các Ủy ban, bộ, ngành chủ động. Chế tài rất rõ, chậm 24 tháng là có danh mục, chậm 12 tháng có danh mục, nhà thầu chậm quyết toán có tên nhà thầu, để có thể công khai. Vấn đề là có thực hiện hay không.

- Theo như Ông cho biết thì Bộ Tài chính rất cương quyết đẩy nhanh quyết toán vốn. Vậy địa phương chậm quyết toán là do yếu kém trong quản lý vốn hay lý do nào khác?

- Đúng là nguyên nhân đó. Càng xuống địa phương cấp thấp hơn thì công tác quản lý vốn đầu tư hay công tác thanh quyết toán càng chậm hơn. Nếu lãnh đạo không quan tâm thì không bố trí người để quyết toán. Nếu quan tâm mới tập trung người.

Ví dụ, Vụ Đầu tư đang làm quyết toán đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, phòng quyết toán chỉ có 8 người thì làm sao quyết toán cả đường Hồ Chí Minh, nên phải trưng tập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Kho bạc nhà nướác về đây. Cấp xã không quan tâm thì không trưng tập, cần thiết phải nhờ cấp huyện xuống làm quyết toán. Còn huyện cần phải nhờ tỉnh làm quyết toán.

- Vậy liệu có thể giải quyết nút thắt về nhận thức và tư tưởng đối với việc quyết toán vốn đó chỉ bằng hội thảo và tuyên truyền?

- Chúng tôi cũng đưa thêm biện pháp là đến 15.5 là các địa phương sẽ báo cáo số tồn đọng chính thức, Vụ Đầu tư sẽ đề nghị Bộ Tài chính công khai số dự án tồn đọng toàn quốc. Đến 30.3.2015, các bộ, ngành phải quyết toán xong, tháng 6 sẽ báo cáo Bộ để tổng kết. Chúng tôi công khai có lộ trình bao giờ thì quyết toán xong.

Bên cạnh đó, sau Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII, để các địa phương rà soát, nắm thông tin, chúng tôi sẽ có cuộc tọa đàm trao đổi. Bộ Tài chính sẽ chủ trì, mời các bộ, các địa phương có vướng mắc về đây sẽ có toạn đàm, vướng gì thì trao đổi. Sau đó, chúng tôi sẽ có thông báo giải quyết vướng mắc. Ví dụ một số vướng mắc như nhà thầu ban quản lý dự án giải tán, hồ sơ thất lạc. Có những vướng mắc lớn, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý.

Thực tế thì công việc quyết toán đang có chuyển biến và chuyển biến này tạo nền nếp từ nay về sau sẽ rất tốt. Còn thực tế để công việc trôi chảy từ xã đến huyện và các bộ, ngành cũng phải có thời gian.

- Ông nói nhiều đến vai trò người đứng đầu, liệu họ sẽ xông xáo vào công việc vốn được cho là không ưa thích này không, thưa Ông?

- Ít ra 1/3 tỉnh, bộ ngành đã có văn bản pháp lý liên quan đến chỉ thị 27 rồi, bước tiếp chúng tôi sẽ nắm thêm.

- Ông đã nói nhiều đến các giải pháp đẩy nhanh quyết toán vốn. Vậy hệ lụy của việc chậm quyết toán vốn Nhà nước sẽ dẫn đến điều gì?

- Một dự án phải có 3 công đoạn, như vậy nếu không quyết toán thì dự án không được trọn vẹn. Nếu không quyết toán, thì dự án ứng thiếu tiền hay thừa tiền sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thừa tiền thì bị chiếm dụng. Nếu thiếu tiền, nghĩa là DN bị chiếm dụng vốn. DN thiếu vốn thì không có tiền nộp thuế. Doanh nghiệp không có tiền nộp thuế thì thu ngân sách khó khăn, thu ngân sách khó khắn thì không có tiền để bố trí kế hoạch.

- Cũng đã có những con số cho thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản có thời điểm đến 90.000 tỷ đồng, và cũng là một nguyên nhân gây ra nợ xấu. Rất có thể DN hay nhà thầu thi công không được thanh toán đủ vốn, vì chưa quyết toán xong. Liệu việc chậm quyết toán ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến DN?

- Dự án hoàn thành nợ tiền doanh nghiệp theo tôi không nhiều, chủ yếu nợ của dự án đang thi công, dự án dở dang. Nhiều tỉnh, ví dụ như Nam Định, Thái Bình rất quan tâm đến dự án thiếu bao tiền thì đầu năm sau bố chí thanh toán ngay.

Con số cụ thể Bộ Tài chính chưa có, nhưng cũng không thấy doanh nghiệp phản ứng về chuyện này, chủ yếu doanh nghiệp phản ứng về dự án mà họ ứng tiền ra hoặc dự án đang làm nhưng bố trí kế hoạch không đủ.

- Xin cám ơn Ông!

Theo Vũ Dũng

cucpth

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên