MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20.000 giường bệnh luôn bỏ trống: Khối bệnh viện tư than phiền với Thủ tướng

Hàng chục bệnh viện tư với cơ sở vật chất hàng trăm tỷ đồng thiếu bệnh nhân, bị bỏ không lãng phí đến 50% công suất. Trong khi tại các bệnh viện công, 2-3 bệnh nhân chen nhau một giường. Vì sao?

Thông tin được ông Nguyễn Văn Đệ - Trưởng ban vận động thành lập hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch hiệp hội DN Thanh Hóa chia sẻ tại cuộc gặp gỡ  giữa Thủ tướng và cộng đồng DN sáng 28/4 tại Hà Nội.

Theo ông Đệ, sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước, trên địa bàn toàn quốc đã có 170 bệnh viện tư nhân, với 45.000 giường bệnh nội trú, nếu tính xuất đầu tư giường bệnh là 2,5 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư là trên dưới 120.000 tỷ đồng.

Nhiều bệnh viện quy mô lớn từ 400-500 giường bệnh, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao.

Tuy nhiên, “quá trình hoạt động của khối bệnh viện tư nhân đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều bệnh viện đã đóng cửa hoặc phá sản; và nếu như trong thời gian tới Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ thì sẽ còn nhiều bệnh viện phải đóng cửa” – Ông Đệ cho hay.

Thực tế cho thấy hiện nay khối bệnh viện tư nhân và bệnh nhân nội trú nằm từ 2-3 bệnh nhân/giường.

Trong khi khối bệnh viện tư nhân mới chỉ khai thác khoảng 40-50% công suất, như vậy trên cả nước còn bỏ không khoảng 20.000 giường bệnh( phục vụ bệnh nhân đối tượng BHYT mới chỉ chiếm 4%), nhiều cơ sở vật chất bỏ hoang, thu không bù chi nên rất lãng phí đầu tư.

Theo ông Đệ, nguyên nhân của tình trạng này là do quan điểm của một số cơ quan quản lý nhà nước chưa đánh giá đúng đắn vai trò vị trí của khối bệnh viện tư nhân.

Vì tư tưởng cho rằng khối bệnh viện tư chiếm tỷ trọng thấp so với khối bệnh viện công lập, chất lượng khám chữa bệnh chưa bảo đảm nên không quan tâm đúng mức; từ đó ban hành những cơ chế chính sách không khuyến khích sự phát triển của bệnh viện tư.

Một số chính sách quy định của các Bộ ngành còn bất cập và luôn thay đổi chính sách bất thường làm ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện như chính sách khuyến khích đầu tư bệnh viện, tuy được ưu đãi về đất, thuế, nhưng trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị không được khấu trừ thuế đầu vào.

Việc phân thẻ BHYT hàng năm đã trở lại thời kỳ bao cấp, xếp hàng xin cho như Sở y tế và cơ quan quản lý BHXH tham mưu, UBND tỉnh ra quyết định nên có nhiều bất cập cào bằng, tạo cơ chế xin cho, không phù hợp với Luật bảo hiểm y tế.

Việc quy định giấy chuyển tuyến không những không giảm mà còn gia tăng, bệnh nhân muốn chuyển tuyến phải mất tiền tiêu cực, nhất là khi khi muốn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Ngoài ta, về công tác đào tạo nhân lực, theo ông Đệ vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa khu vực công-tư; mức thu kinh phí đào tạo của nhân sự bệnh viện tư hiện cao gấp đôi đối với khu vực bệnh viện công.

Quy định các cơ sở y tế công lập phải mua thuốc tập trung qua các đơn vị trúng thầu, nhưng lại ép các bệnh viện tư phải mua những đơn vị này là trái với quy luật thị trường và nảy sinh những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

Một điều bất hợp lý khác cũng được ông Đệ nhắc đến là trong quá trình chỉ đạo thực hiện và ban hành chính sách, khu vực bệnh viện tư luôn bị đối xử không công bằng, các văn bản pháp luật hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn…. ít đề cập hướng dẫn, thậm chí lãng quên.

“Rõ ràng trước khi các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện, nhà đầu tư không lường hết được những khó khăn thách thức, đặc biệt là những chính sách không thuận lợi sau đầu tư.” – Ông Nguyễn Văn Đệ ngậm ngùi.

Chia sẻ những khó khăn này với Thủ tướng, thay mặt những nhà đầu tư lĩnh vực này, ông Đệ kiến nghị Chính phủ tiến hành rà soát các bệnh viện công, cái nào không hiệu quả đề nghị cổ phần để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi bình đẳng cho khối bệnh viện tư.

Ông Đệ cũng đề xuất Thủ tướng xóa bỏ giấy chuyển tuyến đối với cấp tỉnh, thành trực thuộc tỉnh, xóa bỏ việc phân thẻ bảo hiểm để người bệnh được lựa chọn nơi khám và điều trị, được hưởng 100% chính sách bảo hiểm y tế.

“Có như vậy, bệnh viện tư nhân mới có điều kiện tiếp nhận bệnh nhân, và chỉ duy nhất biện pháp này mới đáp ứng được đề án giảm tải cho bệnh viện công theo chỉ đạo của Chính phủ” – Ông Đệ kết luận.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên