Hai năm lặng lẽPPP, hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu
tư trong và ngoài nước chờ đợi, lẽ ra đã có thể đạt được những tiến bộ
nhất định trong hai năm qua, kể từ khi Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày
9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm đầu tư theo hình
thức PPP được ban hành.
Đáng tiếc, văn bản từng được hy vọng là
sẽ tạo ra "cú hích" cho hình thức đầu tư này lại chưa được đón nhận một
cách tích cực trên thực tế, khi các dự án PPP chủ yếu vẫn chỉ mới dừng ở
mức đề xuất.
Tháng 5/2012, trong một cuộc làm việc với các
chuyên gia và nhà đầu tư, tổ công tác liên ngành về PPP báo cáo rằng đã
có 30 dự án được đề xuất thực hiện theo mô hình PPP từ các tỉnh thành,
bộ ngành với ước tính tổng vốn đầu tư trên 20 tỉ USD. Trong số này, có 4
dự án giao thông trong các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, 3 dự án cấp
điện, 1 dự án sân bay, 2 dự án bệnh viện, 4 dự án cấp nước, 3 dự án
cảng sông, và 3 dự án hạ tầng đô thị khác.
Khi nhận được các đề
xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành kiểm tra tính khả thi của các
dự án. Theo yêu cầu, nội dung của các đề xuất dự án, ngoài các yếu tố về
kỹ thuật còn phải có những tính toán tài chính rất chi tiết và đặc biệt
phải dự báo được phần tham gia của nhà nước vào dự án PPP.

...nhiều
tỉnh thành trên thực tế chưa hiểu hoặc thiếu tin tưởng về mô hình PPP,
đã đem những dự án “khó nhằn” nhất của địa phương để lên bộ đăng ký xin
làm PPP!
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đặng Xuân Quang, Tổ trưởng Tổ
công tác liên ngành về PPP, thì trên thực tế, việc đáp ứng các yêu cầu
trên của các dự án do các bộ ngành và địa phương đề xuất là "rất khó".
Tổ
công tác nhận thấy rằng phần lớn các dự án có tính thương mại thấp, khó
đáp ứng được yêu cầu thu hút các nhà đầu tư. Để đáp ứng được yêu cầu
thì mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ ở mức rất cao, không thể ở mức 30% như
quy định trong Quyết định 71.
Trong khi đó, một số dự án có tính
thương mại cao nhưng khó triển khai do nằm trong tổng thể những dự án
khác lớn hơn hay nói cách khác việc triển khai phụ thuộc vào tiến độ
thực hiện của những dự án khác.
Chẳng hạn, dự án tuyến đường trên
cao số 1 ở Tp.HCM và dự án đoạn đường vành đai 4 ở Hà Nội đoạn từ quốc
lộ 2 đến quốc lộ 32. Nếu nghiên cứu độc lập hai dự án này thì tính
thương mại rất tốt do chi phí đầu tư và giải phóng mặt bằng thấp cũng
như lưu lượng giao thông dự báo là cao.
Tuy nhiên việc thực hiện
hai dự án này lại phụ thuộc vào các dự án khác. Tuyến đường trên cao số 1
của Tp.HCM phụ thuộc vào việc triển khai của 3 tuyến còn lại là tuyến
số 2, 3 và 4. Tuyến đường vành đai 4 của Hà Nội từ quốc lộ 2 đến quốc lộ
32 lại phụ thuộc vào việc xây dựng các đoạn khác. Như vậy, nếu các dự
án khác không được triển khai đồng bộ thì tính hấp dẫn của hai dự án
trên sẽ không còn.
Trong khi đó, một số dự án đã được triển khai
dưới phương thức khác, và bây giờ được chuyển sang triển khai theo PPP.
Việc giải quyết vấn đề phát sinh từ sự chuyển đổi này là không đơn giản.
Ví dụ như 3 tuyến có tính thương mại cao là tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu,
Ninh Bình - Thanh Hóa, Nghi Xuân - Bãi Vọt, nhưng lại được phát triển
bằng nguồn vốn ngân sách, các nguồn tài trợ ODA và nếu muốn chuyển sang
mô hình PPP thì khối lượng công việc phải giải quyết để chuyển đổi là
rất lớn.
Mới đây nhất, trong một hội nghị về đầu tư PPP, Cục
trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Văn
Tăng, thừa nhận sự thiếu hấp dẫn của các dự án được đề xuất chính là
nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư không mặn mà. Ông Tăng kể rằng, nhiều
tỉnh thành trên thực tế chưa hiểu hoặc thiếu tin tưởng về mô hình PPP,
đã đem những dự án “khó nhằn” nhất của địa phương để lên bộ đăng ký xin
làm PPP!
Kích hoạt kiểu nào?Nhận thức về tầm quan
trọng của PPP hiện nay, theo nhận định của ông Tăng, là khá thông suốt ở
các cấp lãnh đạo cao nhất. Nhu cầu vốn đầu tư lớn cho hạ tầng là nhãn
tiền trong khi khả năng huy động từ các nguồn “truyền thống” đều có hạn.
Trong khi đó, thực tiễn từ nhiều quốc gia khác đã chứng minh cho sự ưu
việt của mô hình này.
Diễn biến đáng chú ý nhất chính là việc
Chính phủ đã cho thành lập Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP, do
đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban. Cuối tháng
11/2012, ban này đã có phiên họp đầu tiên để sau đó đi đến một số kết
luận quan trọng đối với hình thức này.
Thông báo kết luận của
phiên họp này cho rằng trong các công việc cần triển khai trong thời
gian tới, việc rà soát, sửa đổi những nội dung còn bất cập của Quyết
định 71 cần phải là một ưu tiên.

Phó
thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý việc dành vốn ngân sách tập trung ở
Trung ương để phân bổ cho các dự án PPP được lựa chọn thí điểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch năm
2013 của Ban chỉ đạo, trình Trưởng ban quyết định, trong đó một số việc
cần làm là lập danh mục dự án đầu tư PPP tại các bộ ngành và địa phương
và xây dựng kế hoạch đào tạo các thành viên Tổ công tác liên ngành, các
Bộ, ngành và địa phương có dự án đầu tư PPP.
Đáng chú ý là, Phó
thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý việc dành vốn ngân sách tập trung ở
Trung ương để phân bổ cho các dự án PPP được lựa chọn thí điểm. Đồng
thời, đồng ý về nguyên tắc việc thuê tư vấn nước ngoài để hỗ trợ triển
khai các dự án PPP và các bộ, ngành và địa phương có thể quyết định việc
này theo thẩm quyền.
Ông Lê Văn Tăng nói tinh thần vào cuộc là
rất quyết liệt và do đó, năm 2013 sẽ là một “năm bận rộn” đối với hình
thức đầu tư này. Ngoài Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, 13 vị là bộ
trưởng, thứ trưởng các bộ ngành liên quan đã được triệu tập tham gia vào
Ban chỉ đạo về đầu tư theo PPP. Cơ chế này, rõ ràng có tiếng nói hơn
hẳn so với Tổ công tác liên ngành do Bộ Kế hoạch Đầu tư "chủ trì" trước
đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh 2013 có thể vẫn là một năm khó
khăn cho các dòng vốn đầu tư, chưa rõ các dự án PPP sẽ được thúc đẩy thế
nào trong năm nay, ngay cả khi các nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà
nước là rất đáng ghi nhận.
Theo Hoài Ngân
VnEconomy