MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm đổi mới: Lựa chọn chiến lược phát triển đúng đắn là đòi hỏi bắt buộc

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các chuyên gia kinh tế đều có chung một ý kiến: Việt Nam đã thành công nhờ đột phá trong cải cách năm 1986. Trước một bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội mà thời cuộc hiện đang đặt ra cho Việt Nam, việc lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển đúng đắn trong điều kiện liên tục đổi mới, sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc.

Sau 30 năm chúng ta có gì?

Chặng đường 30 năm đổi mới ở nước ta được chia thành 3 giai đoạn với những thông điệp khác nhau. Năm 1986 với khẩu hiệu “Mở cửa và phát triển kinh tế nhiều thành phần”. Giai đoạn 1990 - 2000 với thông điệp “Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” và giai đoạn từ 2001 đến nay xác định “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. 

Trong các giai đoạn này, kinh tế nước ta phát triển lúc thăng, lúc trầm, nhưng nhìn chung thành tựu quan trọng bậc nhất của đổi mới, theo Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, là việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp dựa trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp - nông dân cổ  truyền sang kinh tế thị trường, nhờ  đó đất nước thoát khỏi phương thức phát triển lạc hậu, biến quá trình này thành xu hướng không thể đảo ngược.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ một nước có mức thu nhập thấp khoảng 98 USD/người năm 1990 đã tăng lên 400 USD/người năm 2000 và đến năm 2010 đã đạt 1.200 USD/người, vượt chuẩn nước thu nhập thấp khoảng 1.000 USD/người.

Năm 2015 đã đạt GDP bình quân khoảng 2.200 USD/người. Kinh  tế vĩ mô ổn định: Kiềm chế lạm phát, giữ vững cán cân vĩ mô, tỉ giá, lãi suất và tạo việc làm, hạn chế thất nghiệp ở mức 2-4% ở thành thị và tình trạng thiếu việc làm  ở nông thôn. Đặc biệt, đã có đột biến về “mở cửa” kinh tế, với xuất khẩu năm 2014 lên tới 150 tỉ USD và GDP bình quân đầu người năm 2014 đã đạt 2.050USD.

Việc  huy động vốn đầu tư, phần vốn bên ngoài cũng chiếm đến 1/3, bao gồm cả vốn ODA (đã huy động 80 tỉ USD) và FDI (đã huy động 150 tỉ USD). Dự trữ ngoại tệ cũng được tăng cường đạt gần 40 tỉ USD. Cơ cấu ngành đã có những chuyển biến tích cực theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, cơ cấu nông nghiệp chỉ còn dưới 20% GDP, còn công nghiệp và dịch vụ trên 80% GDP. Về cơ cấu sở  hữu, 20 năm trước (1995) với 12.000 doanh nghiệp nhà nước, khu vực này đã chiếm tỉ trọng chủ yếu trong nền kinh tế.

Cũng tại thời điểm 1995 đó, kinh tế nhà nước chiếm 40% GDP, kinh tế tập thể chiếm 10% thì năm 2014, kinh tế nhà nước chỉ còn 28,7% GDP và kinh tế tập thể 4% GDP. Điều đó cũng có nghĩa là “khu vực XHCN” từ 50% GDP nay giảm chỉ còn 33% GDP. Ngược lại khu vực FDI từ mức thấp chỉ khoảng 6% GDP nay đã gần 20% GDP, tăng tỉ trọng lên 3 lần.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, dù có những thành tựu đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ trong suốt 30 năm qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn, đặc biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách.  Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.

Mặc dù thu nhập quốc gia chúng ta đứng hàng 57/193, nhưng Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Về chỉ số chất lượng sống, Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76. Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt Nam hiện đứng thứ 121/187.

Về bằng sáng chế, theo  International  Property  Rights  Index,  Việt Nam  đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ. Về y tế, sức khoẻ, VN đứng hàng 160/190 quốc gia, có nghĩa đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất. Trong khi đó, theo  chỉ  số  tham  nhũng  mới  nhất  của  tổ  chức  Transparency International,  Việt Nam  đứng  hàng  116/177,  thuộc  1/4  quốc  gia  cuối bảng.  Việc tụt hâu của VN sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.

Theo ông Trần Đình Thiên, tới năm 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn thua xa Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc; gần bằng một nửa Nhật Bản và 1/3 Singapore ở thời điểm 2011. Nếu lấy thời điểm 2015 làm mốc thì Việt Nam phải lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia ở năm 2011.

Đâu là nguyên nhân của sự tụt hậu?

Có hàng ngàn lý do để chỉ ra vì sao chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa so với thế giới văn minh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thái - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) - thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là “tư duy cũ kỹ, chọn sai mô hình tăng trưởng, trong khi lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển”. Ông Thái nói: “Sự phát triển kinh tế của Việt Nam dường như là “lạc điệu” so với trào lưu chung vì chúng ta đang làm theo cách thức không giống ai”.

Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh -  Chuyên gia kinh tế cao cấp (Viện Kinh tế Việt Nam) thì chỉ ra cụ thể hơn: “Nguyên tắc cơ bản để nền kinh tế thị trường vận hành được thông suốt là phải đảm bảo tôn trọng sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia. Các chủ thể toàn quyền sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và phân phối nó cho ai. Họ quan hệ với nhau trên thị trường, nơi mà giá cả là công cụ  quyết định”.

Chúng ta cần phải làm gì?

Để không tụt hậu xa hơn nữa, từng bước rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển và xa hơn là lọt vào các nước phát triển thì chúng ta cần làm gì?

Câu trả lời được tiến sĩ Vũ Tuấn Anh đưa ra: “Một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi và sáng tạo.

Một Nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình: Mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân và giữa Nhà nước và thị trường cần được làm rõ.  Nhà nước sẽ thực hiện các chức năng cơ bản của mình một cách hiệu quả, trong đó bao gồm xây dựng và thực thi pháp luật, xử lý quan hệ quốc tế, đảm bảo trật tự  công cộng và an ninh quốc gia, cho phép thị trường vận hành tự do đồng thời giải quyết được các thất bại thị trường. Nhà nước sẽ tăng cường các thể chế thị trường nhằm đảm bảo cạnh tranh tự do, công bằng và sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, đảm bảo quyền sở hữu tài sản và đổi mới sáng tạo.

Nhà nước sẽ xây dựng các thể chế quản lý kinh tế vĩ mô minh bạch, kỹ trị, có khả năng phục hồi và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Nhà nước sẽ thiết lập các thể chế xã hội vững mạnh nhằm đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân và bảo vệ  quyền theo đuổi sáng tạo của người dân.

Nhà nước sẽ làm rõ ranh giới trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp nhằm đảm bảo kiểm soát và đối trọng quyền lực đầy đủ  đối với chính phủ. Quốc hội sẽ gồm những đại biểu chuyên trách có năng lực chuyên môn và quyền tự chủ thể chế cần thiết để đại diện cho nhân  dân, giám sát cơ quan hành pháp, và thông qua những văn bản pháp luật có chất lượng.

Cơ quan tư pháp cũng có vị trí phù hợp, được tự chủ và có năng lực để thực hiện vai trò giải quyết tranh chấp trong bối cảnh xã hội và nền kinh tế ngày càng đa dạng hơn. Cơ quan hành pháp được xây dựng đồng bộ theo chiều dọc và chiều ngang, phân định rõ các chức năng của trung ương và địa phương.

Một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị xã hội được bình đẳng trước pháp luật. Nền tảng của xã hội đó là một xã hội dân sự vững mạnh và đa dạng, có thể thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có quyền dân chủ trực tiếp của người dân, quyền tiếp cận thông tin và lập hội.

Một môi trường bền vững: Việt Nam sẽ đảm bảo chất lượng không khí, đất, và nước. Việt Nam sẽ lồng ghép vấn đề hình thành khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào quy hoạch kinh tế, chính sách xã hội và đầu tư hạ tầng để giảm thiểu rủi ro về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng sẽ phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, sạch và an toàn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên bổ sung: “Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì. Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao như  WTO, TPP...”.

Nếu làm được những điều đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ có “Một nền kinh tế phát triển ở mức cao và hài hòa, đạt tới mức thu nhập trung bình bậc cao, tiến nhanh lên thu nhập cao trong những năm sau đó”.

Theo Lê Thọ Bình

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên