MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 25/02 - 01/03

Theo báo cáo của EuroCham môi trường kinh doanh VN tăng lên 59 điểm, 2 tháng, doanh nghiệp FDI xuất siêu 2 tỷ USD, kiểm soát lạm phát năm 2014 khoảng 6%... là những thông tin nổi bật trong tuần qua

Trung ương luân chuyển 44 cán bộ

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa quyết định luân chuyển 44 cán bộ về địa phương, trong đó có 25 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 19 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có 2 Ủy viên Trung ương Đảng, 19 Thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ.

Ngày 28/2 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 7314-CV/VPTW về chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ gần đây.

Văn bản nêu rõ, nhằm chuẩn bị một bước về nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương nhiệm kỳ tới, kết hợp việc đào tạo, rèn luyện cán bộ với thúc đẩy phát triển KTXH, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, Bộ Chính trị đã có chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố để luân chuyển cán bộ.

Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định rõ yêu cầu, nguyên tắc, quy trình tiến hành công tác luân chuyển cán bộ và quyết định các tiêu chí về địa bàn, chức danh luân chuyển, tiêu chuẩn đối với cán bộ đi luân chuyển.

CPI cả nước tháng 2 tăng 0,55% so với tháng 1

Tổng  cục thống kê Việt Nam vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2/2013. Như nhiều đánh giá trước đó của các chuyên gia, thị trường giá cả không biến động quá mạnh những tháng sau tết nguyên đán. CPI tháng 2 tăng 0,55% so với tháng 1 trong đó nhiều nhóm hàng có mức tăng thấp hơn mức tăng chung.

So với tháng 12/2013, CPI tăng 1,24% và so với tháng 2/2013 thì chỉ số giá có mức tăng 4,65%. Tính chung 2 tháng đầu năm, CPI tăng 5,05% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,15% so với tháng trước nhưng điều đáng nói là hạng mục lương thực chỉ tăng nhẹ 0,68% trong khi nhóm hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức tăng lần lượt là 1,16% và 1,6%. Nhu cầu ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng đáng kể sau dịp tết. Thông tin từ các bà nội trợ cho biết, giá rau, củ quả ở các chợ lẻ đều rất rẻ và nhiều.

Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64% so với tháng trước. Đây là một trong 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cách đây không lâu,nguyên Phó Chủ tịch VSA đã từng chia sẻ với truyền thông rằng khó khăn của ngành thép đã lộ diện từ cuối năm 2012 và đầu 2013, ngành đang đối diện với thảm cảnh tồn kho, thua lỗ.

Nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục có mức chỉ số giá giảm 0,02% so với tháng trước và nhóm hàng này đã có mức giảm khá mạnh 0,51% so với tháng 2/2013.

Kiểm soát lạm phát năm 2014 khoảng 6%

Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,55%, 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá được duy trì ổn định; Dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, tính chung 2 tháng đầu năm đạt trên 21 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tính chung 2 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD, tăng 17%. Nhờ đó sau 2 tháng, cán cân thương mại thặng dư khoảng 244 triệu USD.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014.

2 tháng, doanh nghiệp FDI xuất siêu 2 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt mức 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo báo cáo, tính đến ngày 20/2/2014 cả nước có tổng cộng 122 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 830,87 triệu USD. Con số này chỉ bằng 80,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Với 41 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm ở mức 708,79 triệu USD, vỏn vẹn bằng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt mức 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, vốn giải ngân ước đạt 1,12 tỷ USD, vẫn tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2013.

Thu 5.900 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân trong 2 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước tính đạt 9.234 tỷ đồng (gồm: vốn trung ương 1.669 tỷ đồng; vốn địa phương 7.565 tỷ đồng).

Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 20.859 tỷ đồng, bằng 11,6% kế hoạch năm và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số vốn trung ương quản lý đạt 4.015 tỷ đồng, thì đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với 627 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng thứ hai với 324 tỷ đồng; đứng thứ ba là Bộ Xây dựng 169 tỷ đồng....

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước đạt 114.700 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 15,2 nghìn tỷ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 81,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6%; chi trả nợ và viện trợ 18,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15%.

EuroCham: Môi trường kinh doanh VN tăng lên 59 điểm

Theo báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý 1/2014 của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên 59 điểm, cao nhất từ quý 4/2011.

Cụ thể, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam cao nhất vào quý 1/2011 với 79 điểm và giảm thấp nhất vào quý 4/2012 với chỉ 45 điểm. Kết quả cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang tăng lên rõ rệt.

Mức gia tăng đáng kể này nhiều khả năng liên quan đến việc gia tăng sự lạc quan trong tổng quan kinh doanh. Nhưng mức gia tăng 9% vượt bậc dường như còn cho thấy sự lo ngại về các yếu tố tác động như lạm phát đã giảm, độ tin cậy về triển vọng kinh tế vĩ mô và hy vọng việc hoàn thành một Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) khả thi và hiệu quả.

Ông Csaba Bundik - Giám đốc điều hành EuroCham cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh vượt lên mức trung bình sau một khoảng thời gian dậm chân tại chỗ là một tín hiệu tốt và lần đầu tiên chúng ta thấy được điều này từ quý 2/2012. Đây là dấu hiệu phục hồi rõ ràng, vì nó cho thấy rằng các công ty châu Âu đang lấy lại niềm tin vào thị trường Việt Nam.

So với kết quả của khảo sát quý trước, số lượng khảo sát đánh giá tình hình kinh doanh khả quan, tăng từ 38% lên 45% (tăng 7%). Con số này thậm chí lớn hơn con số ở thời điểm gần Tết năm ngoái, ở mức 40%. Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng không tích cực cũng tăng lên 30%, so với 28% năm ngoái.

Hồng Vân

 

 

 

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên