MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần 24/11-29/11

Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu; Giá xăng giảm mạnh kéo CPI cả nước tháng 11 đảo chiều giảm; Chưa thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô … là những thông tin kinh tế nổi bật tuần.

Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu

Ngày 28/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả, tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF, Thủ tướng đề nghị WEF phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm ...

Tổng giám đốc WEF Philipp Rosler cho biết kinh tế Việt Nam với kết quả và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trong tương quan hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, vai trò tiên phong của Việt Nam trong xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu. 

Giá xăng giảm mạnh kéo CPI cả nước tháng 11 đảo chiều giảm

Tổng cục thống kê vừa công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn quốc tháng 11 năm 2014 với mức giảm 0,27% so với tháng 10/2014. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm 2013, CPI cả nước vẫn tăng 2,6%. Ở một góc so sánh khác, so với tháng 12/2013, CPI cả nước đã tăng 2,08%.

Đóng góp vào mức giảm chung của chỉ số tiêu dùng cả nước tháng này là 4/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của giá xăng, dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua.

Tháng 11 ước nhập siêu 300 triệu USD

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2014 ước đạt 13,2 tỷ USD; giảm  6,2% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 13,5 tỷ USD; giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 23,1% so với tháng 11/2013.

Như vậy, riêng tháng 11/2014 cả nước nhập siêu khoảng 300 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến nay còn khoảng 2,06 tỷ USD; vẫn vượt ngưỡng xuất siêu 1,5 tỷ USD đã đề ra cho cả năm 2014.

Chưa thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô

Tại phiên họp chiều 26/11, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã thống nhất, Giữ nguyên mức tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia như phương án Chính phủ trình, không giảm thuế suất với ôtô.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay số lượng ôtô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Do vậy, đây vẫn là mặt hàng cần thiết phải có sự điều tiết cao nhằm hạn chế tình trạng quá tải giao thông hiện nay, phù hợp với thông lệ các nước ASEAN.

Kinh tế khởi sắc giúp niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 11 tăng mạnh 

Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo về niềm tin tiêu dùng của người Việt Nam trong tháng 11/2014. Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan đã tăng lên 140,9 (tăng 6,2 điểm) trong tháng 11 và cao hơn nhiều so với mức trung bình 133,0 điểm của năm 2014 (tính từ đầu năm đến nay).

Đồng thời, báo cáo cũng cho biết, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng này tăng mạnh chủ yếu là do sự tự tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới.

Việt Nam xuất siêu gần 670 triệu USD sang Nga sau 10 tháng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt hơn 2,2 tỷ USD, đóng góp gần 0,9% vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sau 10 tháng đầu năm.

Về xuất khẩu, trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Nga gần 1,44 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nga hơn 768 triệu USD sau 10 tháng năm 2014.  Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Nga khoảng 669 triệu USD; đóng góp gần 28,35% vào mức thặng dư thương mại của cả nước sau 10 tháng năm 2014.

Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành; nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước,...

>>>ANZ: Kinh tế khởi sắc giúp niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 11 tăng mạnh

Nguyệt Quế (Tổng hợp)

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên