MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần 9/2-15/2

Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về phát triển nhanh vào năm 2050; Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; Sẽ có phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2… là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua.

PwC: Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về phát triển nhanh vào năm 2050

Theo Đài BBC, dự báo phát triển kinh tế do PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố cho giai đoạn 2030-2050 đánh giá Việt Nam sẽ nằm trong số 22 nền kinh tế có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất tính theo Cân bằng sức mua.

Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 32 về xếp hạng GDP theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cùng với Nigeria, Việt Nam được xem là nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất từ nay tới 2050. Với đà tăng trưởng dự kiến từ 4,5-5%, Việt Nam sẽ đứng thứ 28 vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ ở vị trí 22, đứng sau Thái Lan (21) và Philippines (20).

Sau 10 năm, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ còn... 1%

Trong những năm gần đây nguồn vốn được rót cho nông nghiệp không những ít, mà phân bố cũng không đều: Tập trung nhiều vào một số ngành chăn nuôi, chế biến thức ăn, trồng rừng, chế biến lâm sản. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI cả nước, thì 10 năm sau, con số này chỉ còn 1%, với khoảng 500 dự án còn hiệu lực.

Thủ tướng: Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện một số bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp thiết.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.

Năm 2015: Dự toán bội chi NSNN là 5% GDP

Bộ Tài chính vừa công bố dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 với mức bội chi NSNN 226 nghìn tỷ đồng; tương đương 5% GDP; giảm 0,3% GDP so với năm 2014.

Dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 638,6 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô 93 nghìn tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu 175 nghìn tỷ đồng; thu viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi NSNN năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển là 195 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên 777 nghìn tỷ đồng (bao gồm chi cải cách tiền lương 10 nghìn tỷ đồng); chi trả nợ và viện trợ 150 nghìn tỷ đồng...

Bớt phiền hà, Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn

Đó là nhận xét của ông Yasuzumi Hiro, Giám đốc điều hành JETRO tại TP HCM, bên lề buổi “Công bố báo cáo kết quả điều tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhật tại châu Á, châu Đại Dương và tình hình đầu tư ở Việt Nam” chiều 12/2

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật đầu tư tại Việt Nam cho thấy 66% DN có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Do vậy, Việt Nam tiếp tục được coi là địa điểm đầu tư quan trọng.

Sẽ có phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong đợt tăng giá điện lần này, ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện, để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Cả nước nhập siêu gần 400 triệu USD trong tháng 1

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1 năm 2015 đạt hơn 27,17 tỷ USD; tăng 1%, tương ứng tăng 257 triệu USD so với tháng 12/2014 và tăng 25,5%; tương ứng tăng hơn 5,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 13,4 tỷ USD; tăng 4,1% so với tháng 12/2014 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước đạt gần 13,77 tỷ USD; giảm 1,9% so với tháng 12/2014 và tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, ngay trong tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu 362 triệu USD.

>>>Năm 2015: Dự toán bội chi NSNN là 5% GDP

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên