MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Theo báo cáo về KTVM - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC năm 2013 của nền kinh tế Việt Nam sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại khoảng 0,6 tỷ USD.

Năm 2014: Tiền lương thực nhận sẽ giảm tiếp 1%

Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2014 tăng 2%: người lao động chịu 1%, chủ sử dụng lao động chịu 1%.

Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người sử dụng lao động và người lao động được tính theo mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động và tỉ lệ đóng đối với đối tượng đồng thời tham gia bảo hiệm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Như vậy,mức đóng Bảo hiểm xã hội năm 2014 tăng 2% (1% từ người sử dụng lao động và 1% từ người lao động).

Điều này đồng nghĩa với việc lương thực nhận mà người lao động thụ hưởng sẽ giảm 1% từ năm 2014.

Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động. Theo đó,mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-350.000 đồng một tháng, tương đương mức tăng xấp xỉ 15%.

TP. HCM: Đề xuất điều chỉnh GDP 2014-2015 tăng 10,6-11,9%

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét trình Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP.HCM giai đoạn 2014-2015.

Theo đó, giai đoạn này tăng trưởng GDP được điều chỉnh bình quân đạt 10,6-11,9%/năm thay vì bình quân đạt 12%/năm như mục tiêu đã thông qua đầu nhiệm kỳ.

Theo tính toán, nếu giữ mức tăng 12%/năm thì trong hai năm 2014 và 2015, GDP phải tăng bình quân trên 15%/năm, nhưng trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn sẽ rất khó đạt được mức tăng này.

TP.HCM đưa ra những chỉ tiêu cụ thể cho năm 2014 và giai đoạn 2014-2015 cùng với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cao hơn 1,7 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

BIDV: Tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ cao hơn 2013, đạt khoảng 5,5 – 5,6%

Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV vừa ra báo cáo về kinh tế vĩ mô.

BIDV cho rằng triển vọng tăng trưởng của năm 2014 có phần khả quan hơn năm 2013 song nền kinh tế chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh.Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ cao hơn khoảng 0,3 điểm % so với năm 2013 và đạt khoảng 5,5-5,6%.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phục hồi song với tốc độ chậm và còn nhiều khó khăn: số DN giải thể, ngừng hoạt động trong 10 tháng 2013 vẫn tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012; giá trị hàng tồn kho vẫn chiếm tới 74% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số IIP 11 tháng chỉ tăng 5,6%, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2012 song với cơ cấu trên 38% trong GDP, mức tăng này của khu vực công nghiệp chưa đủ bù với mức giảm của 2 khu vực còn lại của nền kinh tế là nông lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ để kéo mức tăng của GDP lên trên 5,6%;

WB: Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5% vào năm 2015

Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chiều ngày (2/12) tại Hà Nội dự đoán GDP của Việt Nam sẽ “tăng trưởng khiêm tốn ở mức 5,5% vào thời điểm 2015 và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được hồi phục cơ bản”.

Nếu muốn đẩy mạnh tăng trưởng trung hạn, Việt Nam “cần chú ý một số cải cách cơ cấu, tập trung vào ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước”, báo cáo cho hay.

“Năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát vừa phải và cải thiện trong cán cân đối ngoại”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. Bà cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần “tập trung quan tâm tới tốc độ cải cách cấu trúc, đang diễn ra khá chậm, để lập lại vị trí của Việt Nam trong lộ trình tăng trưởng cao hơn”.

HSBC: Kỳ vọng cả năm Việt Nam xuất siêu khoảng 0,6 tỷ USD

Theo báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC năm 2013 của nền kinh tế Việt Nam sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại khoảng 0,6 tỷ USD.

HSBC cho rằng, dòng vốn FDI tăng cao (lượng vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 10,5 tỷ USD trong khi vốn đăng ký là 13,8 tỷ USD) đã thúc đẩy nhu cầu đối với các lao động  bán chuyên nghiệp mạnh hơn và hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu.

Xuất khẩu đã tăng từ mức lên 18,9% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu trong tháng 11 đã tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu thiết bị nguyên vật liệu tăng. Thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đã giảm từ mức 187 triệu USD xuống còn 95 triệu USD trong tháng 11.  

PMI tháng 11 giảm còn 50,3 điểm

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 11/2013.

Theo đó, chỉ số PMI trong tháng 11 đã giảm từ mức 51,5 điểm (tháng 10) xuống còn 50,3 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI Việt Nam trên mức 50 điểm. 

Sản lượng sản xuất tăng tháng thứ 2 liên tiếp và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 9/2011. Các công ty khảo sát cho biết sản lượng tăng nhờ vào các đơn hàng mới trong tháng 9 và 10 vừa qua. Các đơn hàng tồn đọng đã được giải quyết hết trong tháng 8.

Kết quả khảo sát tháng 11 cho thấy số đơn hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 3 tháng, nhưng ở mức giảm nhẹ so với tháng trước. Điều này đồng nghĩa cầu đang yếu. Bão lũ được xem là một nguyên nhân chính.

Hết tháng 11, bội chi ngân sách là 167.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, chi ngân sách trong 11 tháng đã vượt 167.000 tỷ đồng, tương đương 103,6% dự toán đưa ra hồi đầu năm. Mức bội chi đã bằng 85,8% mức bội chi Quốc hội cho phép điều chỉnh trong phiên họp sáng ngày 12/11.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 11, số chi ngân sách được cơ quan quản lý công bố là khoảng 90.500 tỷ đồng. Nếu tính chung cả 11 tháng, số chi đã ước đạt trên 866.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, con số bội chi trên bằng 85,8% mức bội chi Quốc hội quyết định điều chỉnh, trong đó nếu tính riêng tháng 11, số bội chi là khoảng 23.000 tỷ đồng.

Nói rõ hơn về số thu ngân sách, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy con số này trong 11 tháng năm 2013 là trên 698.000 tỷ đồng, tương đương hơn 85% dự toán. Số thu này so với cùng kỳ năm 2012 tăng khoảng 10%.

 

Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên