Ai lợi, ai thiệt từ yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than?
Yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than của Thủ tướng Chính phủ được phát đi ngày 19/1 vừa qua là “đòn giáng” vào ngành than nhưng lại là thông tin tích cực với những ngành năng lượng tái tạo và kinh doanh xanh.
- 29-09-2015Thiệt hại hơn 600 triệu USD vì nhiệt điện than
- 07-08-2015Các nhà máy nhiệt điện của PVN lo thiếu than
- 03-08-2015Doanh nghiệp nhiệt điện và sản xuất than sẽ ra sao sau trận lũ ở Quảng Ninh?
Tại cuộc họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60), thông điệp cắt giảm nhiệt điện than đã được đưa ra.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: “Cần phải rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than". Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo.
Tin vui cho ngành năng lượng tái tạo
Đồng thời, Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo, đã cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than từ phía chính phủ Việt Nam.
Đưa quan điểm về vấn đề này, bà Nguy Thị Khanh – Giám đốc Trung Tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng quyết định không còn phụ thuộc vào nhiệt điện than là rất tích cực. Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển điện VII sẽ cần phải được điều chỉnh và sớm công bố khi hiện nay vẫn còn một số lượng đáng kể các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng.
"Nếu Thủ tướng đã thận trọng xem xét và đưa ra quyết định giảm nhiệt điện than, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ đánh giá lại một cách toàn diện tất cả các nhà máy điện than đã đề xuất và ban hànhcác chính sách để nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả” – Giám đốc GreenID khuyến nghị.
Đồng thời, đại diện của tổ chức này cũng cho rằng với những nhà máy điện than hiện có và đang có kế hoạch xây mới cần phải được áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm và công nghệ hiệu suất cao phù hợp với tiêu chuẩn và thực tiễn tốt của quốc tế.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về số lượng các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch xây mới với công suất dự kiến khoảng 60,000 MW, chỉ đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, việc giảm bớt nhiệt điện than sẽ là “cú sốc” đối với ngành công nghiệp than toàn cầu vốn đang vật lộn để tồn tại. Nhiều nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã cắt giảm nguồn nhiệt điện than.
"Cú giáng" cho ngành than
Còn theo ông Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu Năng lượng Tài chính Úc, tại Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính: “Quyết định của chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuyển đổi thị trường điện là rất tích cực. An ninh năng lượng là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của bất kỳ quốc gia nào và thúc đẩy phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sử dụng năng lượng hiệu quả chính là cách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia từ nguồn tại chỗ".
Cũng theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ: “Cần phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải. Thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...”
Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Quy Hoạch điện VII (QHĐ VII) hiệu chỉnh trong những ngày tới. Trong bản quy hoạch mới này, dự báo nhu cầu được kỳ vọng sẽ thấp hơn so với phiên bản trước, bám sát thực tế phát triển kinh tế, qua đó giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng trong tương lai. Ngoài ra, Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh được dự kiến sẽ tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng.