Ấn Độ thẩm tra tại chỗ vụ chống bán phá giá gỗ tấm Việt Nam
Đây là cơ hội để doanh nghiệp thông tin về việc điều tra chống bán phá giá đối với gỗ tấm của mình.
- 19-09-2015Thái Lan lại kiện bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam
- 15-09-2015Malaysia điều tra chống bán phá giá thép cuộn Việt Nam
- 08-09-2015Vì sao thép Việt liên tục bị điều tra chống bán phá giá?
Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương, hôm 5/2 cho biết đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về việc Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc thẩm tra dự kiến từ ngày 25/2. Thời gian cụ thể DGAD sẽ thông báo trực tiếp cho phía doanh nghiệp hoặc thông qua luật sư đại diện của doanh nghiệp trong vụ việc này.
Cục QLCT cho biết, theo quy trình thủ tục điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra các tài liệu, nội dung, số liệu mà doanh nghiệp đã cung cấp cho DGAD thông qua các bản trả lời câu hỏi trước đây nhằm xác nhận tính chính xác của dữ liệu này.
Theo cơ quan của Bộ Công thương, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cung cấp thêm những thông tin nhằm giải trình, làm rõ hơn cho phía cơ quan điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp và điều chỉnh những lỗi sai của mình trong các bản trả lời.
Bởi theo Cục QLCT, trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá mà Cục đã xử lý trước đây, kết quả cuối cùng của vụ việc phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của đợt thẩm tra tại chỗ vì sau giai đoạn này các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó có thêm cơ hội để giải trình về hoạt động của công ty hay đưa ra các điều chỉnh về số liệu của mình.
Do đó, để đạt được kết quả tốt và có lợi nhất, Cục cho rằng các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu MDF của Việt Nam tham gia trong đợt thẩm tra tại chỗ này cần phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với cơ quan điều tra của Ấn Độ, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các tài liệu mà phía DGAD yêu cầu trong suốt quá trình điều tra.
Nếu không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, DGAD có thể kết luận các doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến khả năng sử dụng những dữ liệu sẵn có không có lợi khi đưa ra báo cáo kết quả vụ việc.
Được biết, theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn (trị giá khoảng 13 triệu USD) – xếp thứ 2 trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.