MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Phạm Chi Lan: Lạm phát thấp nhưng doanh nghiệp chưa mừng!

Theo bà Phạm Chi Lan, chỉ số lạm phát trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 ở mức thấp là điều đáng mừng, song, lạm phát thấp cũng đồng nghĩa với sức mua kém, thị trường trì trệ, doanh nghiệp còn khó khăn.

Cùng với đó, lạm phát thấp cũng góp phần làm lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận kênh tín dụng thực sự mà ngân hàng chỉ đang chăm chú vào việc mua trái phiếu để đảm bảo an toàn.

Liên quan đến các con số thống kê về chỉ số giá tiêu dùng của tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, cùng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bằng các chính sách điều hành của Nhà nước như giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp... PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xoay quanh những vấn đề này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2014 chỉ tăng 0,22% so với tháng 7 và nếu tính hết 8 tháng thì lạm phát mới đang dừng ở mức 1,84%, mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Theo bà, những con số này có phải là đáng mừng?

Với những con số này thì theo tôi vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Đáng mừng ở đây là chủ trương giảm lạm phát, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc của Chính phủ trong suốt những năm qua đã đạt được kết quả bước đầu. Có thể nói trong vòng 2 năm trở lại đây, lạm phát đã liên tục giảm xuống, đặc biệt là từ đầu năm 2014 đến nay, mức lạm phát thấp đã thể hiện những cố gắng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã làm cho kinh tế vĩ mô thực sự ổn định và từ đó mới góp phần ổn định lãi suất ngân hàng ở mức thấp để các doanh nghiệp tiếp cận được. Chừng nào lạm phát còn cao thì lãi suất ngân hàng rất khó có thể giảm xuống và doanh nghiệp sẽ rất khó khăn về vốn. Đấy là những mặt tích cực khi chúng ta kiểm soát được lạm phát.

Còn về mặt tiêu cực thì những con số này đang cho thấy tình trạng thị trường trong nước đang rất trì trệ, không phát triển được. Rõ ràng, lạm phát thấp thể hiện sức mua kém, giá cả không thể tăng cao. Đây là điều đáng lo ngại.

Tôi cho rằng tình hình thị trong nước sẽ còn đáng lo ngại hơn khi những nhân tố mới đang xuất hiện như sự tham gia vào thị trường Việt Nam của chuỗi siêu thị Metro vừa được chuyển giao cho Thái Lan và nguy cơ hàng Thái Lan sẽ xâm nhập ồ ạt vào Việt Nam thông qua chuỗi siêu thị này. Chưa kể là sự có mặt ngày càng nhiều của các siêu thị nước ngoài, như của Hàn Quốc, Nhật Bản... và sẽ mang theo hàng hóa của nước họ vào.

Nếu tính tiêu dùng của xã hội bằng thống kê thì có thể thấy mọi sự vẫn tốt đẹp, hàng của họ tốt hơn, họ bán bằng giá hoặc cao hơn một chút so với giá của doanh nghiệp Việt cũng vẫn được người dân mua và làm thị trường sôi động, nhưng vấn đề chính là sẽ làm khả năng tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp Việt trên chính đất nước mình sẽ khó khăn hơn. Như vậy, có thể đẩy các doanh nghiệp Việt, không chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ mà cả các nhà sản xuất khác cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa.

Ở đây, tôi muốn nói ở góc độ thị trường, trước thông tin lạm phát thấp như vậy phản ánh một bức tranh khá ảm đạm của thị trường nội địa và đây là điều đáng lo. Khi sức mua còn thấp, thị trường còn ảm đạm thì các doanh nghiệp còn khó khăn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục khó khăn về nhiều mặt như tín dụng, đất đai, chính sách liên tục thay đổi, chi phí đầu vào tăng lên trong khi đầu ra không tăng được... nhưng khó về thị trường tiêu thụ là một trong những thực tế của các doanh nghiệp trong liên tục nhiều năm gần đây.

Cần phải nhớ, Việt Nam có đến 75% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoàn toàn chỉ hoạt động trên thị trường nội địa chứ không tham gia vào xuất khẩu. 25% có tham gia vào xuất khẩu nhưng xuất khẩu chỉ là một phần, còn phần hoạt động nội địa vẫn lớn.

Nếu thị trường trong nước ì ạch như thế này thì cũng có nghĩa là doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa và họ sẽ không có động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này đã phản ánh một phần qua con số các doanh nghiệp ngưng hoạt động. Trong 7 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 37.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, tăng đến 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng TP.HCM là một thành phố lớn cũng có hơn 14.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong tháng 8.2014.

Như vậy, lạm phát thấp cũng đang thể hiện sự khó khăn rất lớn của doanh nghiệp hiện nay. Kinh tế chưa thể khởi sắc nếu như doanh nghiệp còn èo uột, ngừng hoạt động nhiều như vậy. Mặc dù một số chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tăng trưởng GDP... có thể tốt nhưng về mặt thị trường thì vẫn thể hiện sự trì trệ của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bà vừa đề cập đến mối quan hệ giữa lạm phát vừa lãi suất. Bà có thể phân tích rõ hơn về các chính sách về lãi suất trong thời gian qua đã có tác động đến lạm phát như thế nào?

Chính sách điều hành của NHNN về lãi suất trong thời gian vừa qua nhìn một cách tổng quát thì là tốt, vì đã cố gắng kiềm chế, kéo lãi suất xuống thấp hơn. Nhưng tôi cho rằng vấn đề chính của hệ thống ngân hàng không chỉ là lãi suất mà còn là nợ xấu, tính thanh khoản... thì chưa triển khai được mạnh và còn nhiều vấn đề đang bế tắc trong việc xử lý. chính vì vậy, khả năng phục vụ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp là còn hạn chế.

Cùng với đó, thời gian qua dù lãi suất đã giảm, góp phần kìm chế lạm phát nhưng tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp vẫn thấp, tăng trưởng tín dụng rất thấp, trong khi đó các ngân hàng có vẻ rất hăng hái tham gia việc mua trái phiếu Chính phủ. Mua trái phiếu Chính phủ thì các ngân hàng vừa được tiếng về mặt chính trị là hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, cung cấp vốn cho Nhà nước, vừa an toàn, lãi suất lại tốt hơn so với lãi suất cung cấp ra thị trường.

Nhưng cùng với đó, khi ngân hàng huy động vốn của xã hội và đưa vào cho khu vực công thì đồng nghĩa với việc miếng bánh còn lại cho khu vực tư sẽ bị giảm đi và ngân hàng không có động lực cho doanh nghiệp vay nữa. Như vậy, ngoài những doanh nghiệp không muốn vay vì sản xuất kinh doanh yếu kém thì còn có những doanh nghiệp vẫn cần vốn tín dụng để phục hồi, để mở rộng sản xuất, hoặc chí ít là những doanh nghiệp đang muốn đổi mới về công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thì lại đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Tín hiệu về lạm phát thấp là tốt, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang mong chờ các ngân hàng vừa tiếp tục giảm lãi suất xuống nữa vì so với các nước khác thì lãi suất của nước ta hiện nay vẫn còn cao, chi phí vốn vẫn đắt đỏ hơn nhiều; vừa hy vọng sẽ có kênh tín dụng ngân hàng đến được với doanh nghiệp thực sự.

Vậy bà có đánh giá thế nào đối với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian qua có tác động đến lạm phát?

Mục tiêu của Chính phủ trong 2 năm gần đây gồm nhiều mục tiêu song có 2 mục tiêu chính: thứ nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Như tôi đã nói ban đầu, các chính sách điều hành của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã có những tác động tích cực, góp phần đưa lạm phát ổn định ở mức thấp và chúng ta đã đạt được dần mục tiêu số 1 là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng cái thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì kết quả rất chậm chạp, biểu hiện là các con số doanh nghiệp "chết" đang gia tăng liên tiếp. Đây là điều rất đáng lo ngại. Kinh tế không thể phát triển chỉ dựa vào đầu tư công, vào trái phiếu huy động, hay đầu tư nước ngoài mà phải là dựa vào các doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp khó khăn như thế này thì không thể mang lại tín hiệu vui cho nền kinh tế.

Cho nên tôi cho rằng chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa, tích cực hơn nữa đưa ra các chính sách phù hợp để đạt được mục tiêu thứ hai là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Chỉ khi đó thì các chính sách điều hành mới thực sự có kết quả và đi vào cuộc sống.

Xin cảm ơn bà!

Theo Duyên Duyên

cucpth

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên