MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học từ pizza và tôm hùm

TS. Huỳnh Thế Du cho biết về thực chất các kế hoạch công suy cho cùng cũng chỉ là một công cụ có mục đích xin ngân sách.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014, T.S Huỳnh Thế Du đã có ý kiến về cơ chế phân bổ xin-cho và phân bổ ngân sách của Nhà nước.

Theo đó, phân bổ ngân sách của Nhà nước hiện nay bị chi phối lớn bởi cơ chế tập thể tạo cho các địa phương một tâm lý chung đó là cố gắng xin được càng nhiều càng tốt?

TS. Du lấy ví dụ, cho một nhóm sinh viên đi ăn nhà hàng với cơ chế trả tiền là chia đều cho  nhau. Nếu như bình thường có lẽ chỉ vài sinh viên sẽ ăn tôm hùm còn lại sẽ chọn món pizza rẻ tiền chỉ vài đô la, nhưng cuối cùng thật kỳ lạ tất cả nhóm sinh viên đó đều lựa chọn món tôm hùm. Bởi vì khi đã chia đều, ai cũng phải trả tiền thì tất cả mọi người đều sợ nếu lựa chọn pizza sẽ bị thiệt còn người kia ăn tôm hùm sẽ được hơn mà chỉ phải trả mức tiền bằng nhau.

“Đó là cách phân bổ ngân sách của Việt Nam chia đều hết, tôi hay gọi đó là cơ chế tôm hùm. Địa phương nào cũng cố gắng vẽ kế hoạch, dù không khả thi, không thực sự cần thiết để xin cho bằng được bầu ngân sách Trung Ương”, ông Du khẳng định.

Thêm một ví dụ, ông Du nói, công trình xây dựng tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam tiêu tốn hết hơn 400 tỷ đồng. Lúc đầu ai cũng nghĩ một tỉnh nhỏ như Quảng Nam sao dám chi số tiền 400 tỷ đồng, chiếm 6,1% ngân sách của toàn tỉnh để xây dựng công trình này trong khi còn nhiều thứ khác để ưu tiên hơn. 

Tuy nhiên, vỡ lẽ ra mới thấy rằng hầu hết tiền xây dựng này được xin từ ngân sách Nhà nước. Chính điều này tạo tâm lý các địa phương thi nhau làm kế hoạch, dự án để xin ngân sách. Những kế hoạch có khi không ai quan tâm, không có lợi ích gì nhưng chỉ có mục tiêu là xin  ngân sách.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng về thực chất nhiều kế hoạch, dự án chỉ là công cụ để xin ngân sách Trung Ương, tạo bình phong cho mình. Cụ thể, trước đây TPHCM đưa ra một kế hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2007-2020. Năm 2012, sau 5 năm triển khai mới hoàn thành  được 5%.

Ông Du đề xuất muốn có nhiều siêu dự án đầu tư công hiệu quả phải có nhóm lợi ích dài hạn, thấy cần thiết cho cộng đồng, lợi ích cho kinh tế thì làm, những cái không ai quan tâm thì đừng làm.

“Kinh tế Việt Nam phải đặt mục tiêu cho chính mình, phải đặt mình dưới áp lực buộc phải vượt lên Trung Quốc. Không phải sự kiện giàn khoan HD 981 tôi mới nói vậy, trước hết hãy đặt mục tiêu vượt lên Trung Quốc về chỉ số thu nhập bình quân bởi vì cái này tôi nghĩ chúng ta có thể làm được”, TS. Huỳnh Thế Du cho hay.

Theo đó, muốn tự chủ, vượt lên Trung Quốc TS. Du cho rằng con người ở vị trí trung tâm, giữ vai trò quyết định. Trong thời kỳ hội nhập, cơ chế thị trường đừng bao giờ bắt người dân phải đi cống hiến cho tập thể. Điều quan trọng là các cá nhân đó sống vì mình nhưng có đóng góp tốt cho xã hội thì đất nước vẫn đi lên!

>>>Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

Trở lên trên