MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo hiểm xã hội: Nhà nước bảo lãnh sự tồn tại của quỹ

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội là để kiềm chế sự đổ vỡ của quỹ trong tương lai.

 Dù khó khăn như thế nào, Nhà nước cũng là nhà tài trợ, bảo lãnh cho Quỹ bảo hiểm xã hội tồn tại, phát triển.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí.

Thưa ông, có cơ sở để lo ngại việc vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội?

Bảo hiểm xã hội là một chính sách dài hạn. Theo Luật Bảo hiểm xã hội thì dù đóng mức nào nhưng phải xác định mức hưởng trước. Hiện nay, giữa mức đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng của chúng ta không tương đồng, tức là mức hưởng cao còn mức đóng quá thấp.

Trong quá trình thực hiện, với cả các nước phát triển, nguy cơ vỡ quỹ là có thật. Nhưng vì chúng ta đi sau, tìm được khiếm khuyết, thấy được khả năng như vậy thì sẽ điều chỉnh. Cho nên, việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội là để kiềm chế sự đổ vỡ của quỹ trong tương lai. Dù khó khăn như thế nào, Nhà nước cũng là nhà tài trợ, bảo lãnh cho Quỹ bảo hiểm xã hội tồn tại, phát triển.

Xử lý thế nào với mức hưởng quá cao nhưng mức đóng quá thấp?

Có nhiều cách xử lý. Một là điều chỉnh mức đóng. Bộ Luật Lao động quy định, tiền đóng bảo hiểm xã hội phải căn cứ trên mức tiền lương ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương và các khoản bổ sung khác. Lâu nay, chúng ta đóng theo mức lương tối thiểu hoặc đóng trên mức lương tối thiểu vùng là không đảm bảo theo quy định.

Hai là chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng theo lộ trình chứ không thể ồ ạt. Hiện cung lao động đang lớn hơn cầu sử dụng lao động thì tuổi nghỉ hưu của chúng ta vẫn có thể giữ 55 với nữ, 60 với nam. Nhưng về lâu dài, để đón trước xu hướng già hóa dân số thì chúng ta phải có lộ trình để nâng dần tuổi nghỉ hưu. Chính phủ hiện nay đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội, theo đó cứ 2 - 3 năm nâng một tuổi cho đến một giai đoạn chúng ta bắt đầu bước vào già hóa dân số thì nam, nữ phải đạt tuổi 60. Phải có một lộ trình dài hạn, vừa là để chuẩn bị nguồn nhân lực, chất lượng lao động, vừa là để cho quá trình nhận thức của con người chuyển đổi.

Ba là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Năm 2011, chúng ta chỉ có 9 - 10 người đóng cho 1 người hưởng, đến năm nay chỉ 5 người đóng cho 1 người hưởng. Quỹ bảo hiểm xã hội của các nước luôn cân bằng, thu bao nhiêu chi trả bấy nhiêu. Do đó, chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu như vậy.

Ngoài ra, chúng ta phải quản lý quỹ này tốt nhất, hiệu quả nhất và làm sao cho quỹ này tăng trưởng để khắc phục được tác động của trượt giá, mất giá trị đồng tiền. Muốn vậy, nguồn quỹ phải được đầu tư vào công trình trọng điểm, tạo ra lợi nhuận cao hơn, lợi nhuận thu về phải cao hơn lãi suất NHNN công bố. Điều đó chúng ta xử lý được và sẽ xử lý trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.


Quỹ Bảo hiểm xã hội cần được đưa ra đầu tư để tạo thêm lợi nhuận

Đầu tư như vậy có rủi ro, thưa ông?

Đầu tư không tốt, quản lý không tốt thì rủi ro lớn. Bởi vậy, lâu nay chúng ta không dám đầu tư theo cách để có lợi nhuận cao hơn, tăng trưởng cao hơn mà chúng ta đang đầu tư cho các ngân hàng có vốn Nhà nước từ 50% trở lên. Lãi suất thấp nhưng "ăn chắc", không mất quỹ. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải đầu tư vào những công trình trọng điểm như cơ sở hạ tầng, giao thông… thì dứt khoát không thể mất được quỹ.

Vừa rồi, chúng ta làm thí điểm đầu tư 1.600 tỷ đồng cho thủy điện Lai Châu với lãi suất cao nên an toàn. Năm 2012, chúng ta đạt mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, cao hơn chỉ số trượt giá. Chúng ta cố gắng làm sao cho vay thật an toàn, hiệu quả, lãi suất thấp nhưng không được thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng thì đó là hiệu quả.

Tức là người lao động, đối tượng nghỉ hưu có thể an tâm?

Hiện Việt Nam đang có 2,6 triệu người hưởng lương chính sách, trong đó có khoảng 1,9 triệu người hưởng lương hưu. Nhưng từ 1/1/1995 trở lại đây, số người đóng theo Luật Bảo hiểm xã hội mới tức là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu chỉ mấy trăm ngàn. Còn lại những người về hưu trước 1/1/1995 trở về trước hoàn toàn do ngân sách đóng.

Trước đây, do trượt giá, lương hưu rất thấp không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người già, Nhà nước điều chỉnh sao cho bằng mức lương tối thiểu để tiền lương cho họ không thấp hơn.

Trong tương lai, chúng ta phải thực hiện theo hướng công bằng dọc và công bằng ngang. Công bằng ngang tức là làm sao để tất cả những người có sàn lương hưu thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu phải được điều chỉnh cho bằng mức lương tối thiểu. Còn công bằng dọc là người có thu nhập cao, đóng bảo hiểm cao hơn thì khi về hưu thu nhập sẽ được hưởng bảo hiểm cao hơn, chứ không thể có chuyện người đóng cao, người đóng thấp "ngồi" cùng một khung được.

Thêm nữa, chúng ta mở rộng hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung, tức là DN ăn nên làm ra có thể bỏ tiền đóng thêm bảo hiểm ngoài bảo hiểm của Nhà nước. Hay khi người lao động làm việc ở nước ngoài, đã đóng bảo hiểm xã hội thì khi trở về nước được hòa nhập quỹ để đảm bảo tăng thêm thu nhập khi họ nghỉ hưu...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Trường Sơn


cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên