MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu rà soát lại nội dung TPP, sẽ sớm công bố toàn văn tiếng Việt

Các nội dung trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bắt đầu được rà soát lại bản cuối cùng và sẽ dịch ra tiếng Việt để công bố trong thời gian sớm nhất.

Đó là thông tin được ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) đồng thời là Phó trưởng đoàn đàm phán TPP đưa ra.

Trước đó vào đầu tháng 11, Bộ Công Thương đã chính thức công bố toàn văn TPP bằng Tiếng Anh. Đến thời điểm này các đoàn đàm phán đang tiếp tục rà soát pháp lý, nội dung bản toàn văn cuối cùng và sau đó, các bộ ngành sẽ dịch trong thời gian sớm nhất để công bố bản tiếng Việt.

“Theo quy định, nội dung Hiệp định còn phải được Bộ Ngoại giao rà soát lần cuối nên sẽ mất thời gian hơn chút ít. Nhưng về tổng thể qua thông tin công bố, TPP là hiệp định có nội dung tương đối phức tạp với các cam kết tương đối sâu” – ông Thái đánh giá.

Nội dung của TPP gồm 30 chương, trong đó vấn đề sẽ được quan tâm nhiều nhất theo ông Thái, đó là mở cửa thị trường hàng hoá như thế nào. TPP là hiệp định đầu tiên có quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hoá mức cao thậm chí có nước mở 100%.

Những quy định mới về mở cửa thị trường hàng hóa cũng được đặt ra, đơn cử như quản lý xuất nhập khẩu; việc nhập khẩu đồ cũ với các hạng mục nhỏ; quy định cấp phép nhập khẩu sẽ có nguyên tắc điều chỉnh…

Theo ông Thái, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia bàn tính việc thành lập TPP khi cùng các nước tham gia từ năm 2010. Mặc dù TPP được hình thành và Hoa Kỳ là nước dẫn dắt nhưng thực chất đây là nước đến sau khi trước đó, năm 2005 ý tưởng hình thành TPP được đưa ra bởi Singapore, Chile, New Zealand, Brunei.

Hoa Kỳ tham gia vào năm 2008, sau đó Việt Nam cũng quyết định tham gia với khá thận trọng, dưới dạng quan sát viên thận trọng. Chỉ sau 3 phiên đàm phán diễn ra, Việt Nam mới tham gia chính thức và bắt đầu quá trình đàm phán cho tới khi kết thúc đàm phám vào ngày 5/10 vừa qua.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên