MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất lực nhìn cao su “sinh đẻ vỡ kế hoạch”

Cơn bão số 10 đi qua tàn phá hàng chục nghìn hécta caosu. Để có chừng đó diện tích rừng caosu, không biết có bao nhiêu cánh rừng bị tàn phá. Thế là mất đến hai lần.

Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo không thể vội vàng trồng caosu ở các tỉnh  miền Trung, vì khả năng thành công rất thấp. Các nhà khoa học không phản đối trồng cây caosu, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giống, thổ nhưỡng, chất lượng mủ. Đặc biệt là ở những vùng hay có bão, lấy gì để chắn gió cho cây caosu là một vấn đề phải tính tới.

Bất chấp những cảnh báo đó, nhiều địa phương ồ ạt trồng caosu, người dân bỏ vốn đầu tư cho giấc mộng “vàng trắng”. Cơn bão đi qua và hậu quả đã rõ.

Thế nhưng, người dân và chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục lao vào cây caosu như mê, như muội.     Cây caosu đã vào nghị quyết, đã được tuyên truyền là cách làm giàu nhanh cho dân, cho địa phương. Vì vậy, dù có thất bại vì một cơn bão và đang đứng trước nhiều rủi ro khác, nó vẫn phải được trồng.

Câu hỏi đặt ra là dân tiếp tục trồng caosu khi chưa được nghiên cứu và quy hoạch tốt, hậu quả sẽ đổ xuống đầu dân, ai sẽ chịu trách nhiệm về chủ trương trồng caosu tràn lan ở nhiều địa phương hiện nay?

Bức tranh sắp trở thành hiện thực là sẽ có hàng nghìn hộ dân trắng tay, nợ nần, thất bại vì trồng cây caosu theo phong trào mà thiếu quy hoạch đúng theo các tiêu chuẩn khoa học để hạn chế rủi ro. Và cho dù cái ngày trắng tay ấy đến nữa, thì cũng không ai chịu trách nhiệm. Chỉ có dân phải trả giá cho sự lựa chọn cách làm giàu rất nông nổi của các chủ trương, nghị quyết địa phương.

Cao hơn là trung ương, cũng chẳng có ông lãnh đạo nào phải sứt mẻ chút gì, cho dù dân trồng caosu thất bại thảm hại. Ông này đổ ông kia, cục này đổ vụ nọ, trung ương đổ địa phương, địa phương đổ trung ương. Thế là hòa cả làng. Cùng lắm thì các vị vất vả vì phải dự quá nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp khắc phục hậu quả.

Một chuyện rất đơn giản, đó là nghiên cứu, quy hoạch những vùng đất trồng caosu có hiệu quả và chỉ  cho phép trồng ở những vùng đó. Nhưng không làm hoặc làm không tốt.

Hai chữ “quy hoạch” ở đây cần sự minh bạch, khoa học và cả sự liêm chính. Trong hàng nghìn hécta rừng được chuyển đổi sang đất trồng caosu, người ta có thể không lấy rừng nghèo kiệt để chuyển mà chọn rừng giàu. Phá rừng giàu trồng caosu để có gỗ bán kể cũng là mối lợi lớn trước khi chờ đợi hiệu quả của những dòng “vàng trắng”mang lại.

Lợi ích nhóm chính là chỗ này. Biết là vậy, nhưng không nắm được tóc ai cả. Bộ NNPTNT gần như bất lực trước hiện trạng trồng caosu vỡ quy hoạch này.

Theo Lê Thanh Phong

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên