MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất thường hóa đơn tiền điện: Cần tách cơ quan đo số điện?

Cần tách đơn vị kiểm đếm công tơ thành cơ quan độc ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trực thuộc một bên thứ ba như Quốc hội, Chính phủ hay cơ quan kiểm toán để tăng cường sự giám sát, tính minh bạch và hạn chế sự độc quyền của ngành điện, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Đề xuất trên được nhiều chuyên gia đồng tình khi thời gian gần đây, hàng loạt người dân bức xúc phản ánh tình trạng, không chỉ hóa đơn tiền điện tăng bất thường, mà hệ số đo đếm ở các công tơ điện cũng đang “có vấn đề”.

Dân “thiệt” kêu trời

Nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6, chị Đỗ Hà (Vạn Phúc, Ba Đình) “ngã ngửa” khi lượng điện tiêu thụ “vọt” lên gấp đối, thậm chí gấp ba so với các tháng trước. Dẫn chứng, nếu như tháng 4 cơ quan chị dùng hết 421 số điện, sang tháng 5 thời tiết nắng nóng, cơ quan chị sử dụng thêm các thiết bị điện như điều hòa, quạt… song khá bất ngờ là số lượng điện tiêu thụ lại giảm xuống còn 386 số. Tuy nhiên, đến tháng 6 thì lượng điện năng tiêu thụ tăng vọt lên tới 958 số, trong khi số ngày làm việc giảm 4 ngày so với tháng trước.

Còn nhớ, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào tháng trước, đại diện của Bộ chủ quản cho rằng hóa đơn tiền điện của các hộ tiêu dùng điện tăng cao là do… thời tiết. Quả thực, không phủ nhận việc lượng điện tiêu thụ trong các hộ gia đình tăng thêm là do trời nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ gia đình thì việc sử dụng điện không có nhiều thay đổi, hoặc thậm chí đã “tiết kiệm” bằng cách hạn chế các thiết bị tiêu tốn điện năng, song hóa đơn tiền điện mà họ nhận được vẫn tăng “vù vù”.

Trở lại câu chuyện của chị Hà, với nghi ngờ đường điện và công tơ bị rò rỉ khiến điện năng thị thất thoát, chị kiến nghị cơ quan điện lực kiểm tra và thay công tơ. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là khi theo dõi công tơ, chị Hà phát hiện chỉ trong một buổi tối, dù nhiều thiết bị tiêu tốn điện năng đã được tắt, song lượng điện tiêu thụ thêm lên tới 5 số. Bất ngờ hơn, khi toàn bộ các thiết bị điện trong nhà đã được tắt hết, công tơ đo điện vẫn… “chạy vù vù”, khiến vị khách hàng này “choáng”.

Cũng theo tìm hiểu của PV tại một số hộ gia đình ở chung cư Phạm Viết Chánh (Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP.HCM), hóa đơn tiền điện tháng 6 cũng tăng bất thường. Mức tăng phổ biến thường là gấp đôi, gấp ba. Thậm chí, có hộ đi công tác hơn 1 tháng, hầu hết các thiết bị đều không sử dụng, song tiền điện lại tăng lên gấp đôi. Người dân ở chung cư này cho rằng, lý lẽ tiền điện tăng cao do thời tiết là không thuyết phục. Cũng bởi đặc thù khí hậu trong TP.HCM nắng nóng quanh năm, thường xuyên sử dụng thiết bị điện nên lượng tiêu thụ tăng bất thường là bất hợp lý.

Biểu lũy tiến “đổ đầu” người dân

Cần nhớ rằng, ngày 16/3 khi giá điện chính thức được tăng lên mức bình quân là 7,5% thì cùng lúc đó, Bộ Công Thương cũng ban hành một biểu tính giá điện mới. Với phương pháp tính lũy tiến theo bậc thang, biểu tính mới có mức giá cao hơn nhiều so với biểu giá cũ. Đơn cử, biểu tính giá cao nhất có hộ sinh hoạt lên tới hơn 2.500 đồng/kWh, cao hơn nhiều lần so với mức tăng bình quân 7,5%. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao, bên cạnh những nghi ngờ về việc giân lận trong đo đếm công tơ.

Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, cho rằng việc có ngày càng nhiều hộ gia đình phản ánh hóa đơn tiền điện tăng bất thường, càng cho thấy cách tính tiền điện và ghi số công tơ đang có những “khuất tất”. Đặc biệt với những trường hợp mà các hộ gia đình không sử dụng, chi phí tiền điện vẫn tăng gấp đôi thì chắc chắc có sự mờ ám, gian lận. Do đó, ông Long cho rằng cần phải có xác minh cụ thể, quy trách nhiệm và có chế tài xử phạt nghiêm chứ không thể chỉ bồi thường lại tiền. Theo đó, TS. Long cho rằng cần phải có bên thứ ba giám sát việc kiểm tra công tơ, ghi số điện để tính toán và xác minh sự hợp lý của việc tiêu thụ điện năng.

Còn theo GS.VS. Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản lý EVN, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho rằng việc tách bạch các khâu là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch của ngành điện. Do đó, việc đơn vị đo đếm phải độc lập với bên mua bán điện, vốn là vấn đề được đưa ra từ nhiều năm nay. Song theo GS.VS Trần Đình Long do những bất hợp lý trong chính cơ cấu tổ chức của EVN, nên vấn đề này chưa được thực hiện.

Vì vậy, để tiến tới lộ trình điện cạnh tranh, phá thế độc quyền của EVN thì việc tách các khâu từ điều độ, truyền tải, mua bán điện… là cần thiết. Trong đó, bao gồm cả những đơn vị đo đếm công tơ cũng cần phải tách độc lập, không phụ thuộc vào đơn vị mua bán điện, cũng không tham gia trực tiếp mua bán, để đảm bảo tính minh bạch công khai với người tiêu dùng. “Cơ cấu tổ chức tổ chức của EVN cũng có nhiều điểm chưa phù hợp với lộ trình phát triển của thị trường điện, trong lịch trình cải cách cơ cấu phù hợp thị trường thì cũng đã đề xuất và từng bước thực hiện vấn đề này”, GS. VS Long nói.

Biểu tính cần “mềm” hơn

Cùng đồng tình quan điểm nên tách đơn vị đo đếm công tơ số điện thành cơ quan độc lập, song theo TS. Phạm Tất Thắng (chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại – Bộ Công Thương), việc tách cơ quan này cũng chưa phá vỡ được thế độc quyền của ngành điện. Bởi theo TS. Thắng, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể giải quyết vấn đề cơ bản là EVN vẫn còn độc quyền. Dẫn chứng, trước đây cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm tính độc quyền của ngành này, như xóa bỏ tình trạng Bộ chủ quản. Tức là, Bộ Công Thương quản lý về năng lượng, song EVN cũng trực thuộc Bộ này.

Theo TS. Thắng, khi vừa quản lý, vừa kinh doanhquản lý, thì EVN vẫn sẽ mãi chỉ là “con cưng” của Bộ Công Thương. Thực tế hiện nay, dù đang thực hiện theo lộ trình điện cạnh tranh, các khâu cần phải tách ra độc lập khỏi EVN, nhưng ông lớn này vẫn đang nắm giữ hầu hết từ khâu sản xuất, định giá mua, bán, cho đến khâu truyền tải, phân phối, ghi công tơ và thu tiền. Với một ngành được vận hành mà không có sự cạnh tranh, TS. Thắng cho rằng sẽ không thể có sự giám sát độc lập.

Trong khi đó, TS. Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) thì cho rằng việc tách đơn vị đo đếm ra khỏi EVN là khó khả thi. Cũng bởi, nguyên tắc của ngành điện thì EVN là đơn vị bán điện, nên đồng thời phải thực hiện việc kiểm đếm và bán điện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc đo đếm lượng điện tiêu thụ, TS. Ngãi “khuyên” ngành điện là nên mời các hộ gia đình cùng tham gia vào việc ghi chỉ số công tơ để tránh sự nghi ngờ.

Cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng cao là do người tiêu dung phải trả tiền điện theo giá bậc thang mới. Bởi với cách tính lũy tiến thì càng dùng nhiều, bậc thang càng cao thì giá điện càng tăng lên. Do đó, với biểu tính giá điện bậc thang theo cánh tính mới mà Bộ chủ quan đưa ra, TS. Ngãi đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần nghiên cứu để có biểu giá “mềm” hơn, phù hợp với người tiêu dùng.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên