MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương đang xem xét điều chỉnh biểu giá điện lũy tiến

Trước những ý kiến phản hồi về biểu tính giá điện lũy tiến, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết đang nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và sẽ những điều chỉnh cho phù hợp.

Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm “Điều hành giá theo cơ chế thị trường” do Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.

Biểu lũy tiến để… hạn chế dùng điện?!

Theo ông Tuấn, điện năng là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức, nên sẽ điều độ theo giá trị kinh tế. Tức là huy động các nhà máy điện rẻ trước, và nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau. Ví dụ, trong hệ thống điện Việt Nam thì ở mức độ nhất định sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao sẽ huy động các nhà máy điện đắt tiền hơn, thậm chí có thời điểm huy động cả nhà máy điện chạy dầu.

Do đó, việc áp dụng biểu tính lũy tiến là phổ biến trên thế giới và trong các nước ASEAN, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện chủ trương Nhà nước là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành nói chung. Theo ông Tuấn, qua thực tế kiểm tra, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay được đánh giá là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc.

Với biểu lũy tiến này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng người dân cần sử dụng tiết kiệm điện. Cũng bởi, khi huy động công suất phát điện vào những ngày nắng nóng, thì EVN phải đưa vào “chạy” cả những nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Dẫn đến, chi phí sản xuất điện tăng cao nên việc người dân dùng nhiều phải trả nhiều, là để đảm bảo giá bán không thấp hơn giá thành. Theo đó, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.

Từ năm 2021 được lựa chọn người bán điện

Cũng liên quan đến những phản ánh của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng bất thường, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo quy định khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện, các khách hàng có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện. Ví dụ như trong trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các Công ty điện lực thì có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương. Trong 15 ngày, Sở Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện.

Cũng theo ông Tuấn, việc công khai minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được thực hiện đầy đủ. Đơn cử như năm 2014, ngay sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, Bộ chủ quản đã họp báo công khai và đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Theo đó, giá thành sản xuất điện của EVN ở từng khâu, phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ cũng như các khoản lỗ, lãi đều được công bố rõ ràng.

Đại diện của Bộ Công Thương cũng khẳng định, các chi phí được đưa vào tính toán giá thành sản xuất điện chỉ thuần túy là chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩ, các chi phí, lợi nhuận kinh doanh khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được đưa vào tính toán giá điện.

Với lộ trình tiến tới phát triển thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương và ngành điện cho biết từ năm 2016 – 2019 sẽ chính thức thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2021 sẽ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và tất cả các khách hàng sử dụng điện kể cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều có quyền tự do lựa chọn người bán.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên