MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ KHCN báo động đỏ tình trạng DN sử dụng công nghệ "trình độ lạc hậu đến 3 đời"

Mức lãng phí nguyên liệu ở một số lĩnh vực ở mức 138%, 175%, thậm chí là 250% so với mức tiêu hao để sản xuất ra một sản phẩm tương tự ở các nước cùng nhóm đang phát triển khác.

Báo cáo của Bộ KHCN "Tình hình phát triển ứng dụng KH&CN trong SXKD" được gửi lên VPCP hồi đầu tuần này cho biết:

“Trong khoảng 10 năm tỷ lệ tăng trung bình của ngành công nghiệp khá cao (khoảng 14%). Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ phát triển của ngành CN Việt Nam so với thế giới thì tốc độ đó là quá chậm. Đặc biệt về mặt công nghệ thì còn lạc hậu, phát triển với trình độ thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực và trong thế giới.”

Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp nước ta (trong đó bao gồm các doanh nghiệp dân doanh) đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.

80-90% công nghệ nước ta sử dụng là công nghệ ngoại nhập. 76% máy móc dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ 1960-1970. 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang.

Tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, mức trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 52%. Đặc biệt ở khu sản xuất nhỏ, thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%.

Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ ở mức thấp, tính ra chi phí chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu; trong khi ở Ấn Độ  là 5% và Hàn Quốc là 10%.

Trình độ trang thiết bị máy móc lạc hậu, công nghệ chậm được đổi mới đang là cản trở đối với quá trình phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp (DN) dân doanh.

Ngoài các DN do nước ngoài đầu tư, chỉ 30% các DN trong nước được coi là có trang thiết bị vào loại tương đối tiên tiến, nhưng tốc độ đổi mới thiết bị còn khiêm tốn, khoảng 10-11%.

Điều này đã hạn chế rất nhiều tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; nhiều sản phẩm trong nước có giá thành cao hơn sản phẩm ngoại nhập từ 20-40%.

Việc chuyển giao công nghệ ở VN chủ yếu được tiến hành qua nhập khẩu công nghệ. Hầu hết DN đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu khách quan đột xuất mà không có kế hoạch dài hạn chủ động thay mới.

Một khảo sát của tổ chức Swiss Contach (Thụy Sỹ) và GTZ (Đức) tiến hành trên 1.200 DN tại VN cho thấy, chỉ có khoảng 0,1% DN sử dụng tư vấn khi đầu tư mua sắm công nghệ.

 Khảo sát của Bộ KHCN với 100 DN ở HN và TP.HCM cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị, công nghệ chỉ ở mức 3% doanh thu cả năm; đa số các DN sử dụng công nghệ những năm 1980, 69% DN phụ thuộc và nguyên vật liệu, 52% phụ thuộc trang thiết bị nhập khẩu, 19% lệ thuộc vào bí quyết công nghệ, số cán bộ kỹ thuật chuyên môn cũng chỉ đạt 7%.

Bộ KHCN cũng cho hay, tình hình quản lý, sử dụng công nghệ còn quá lạc hậu, nghèo nàn của các DN công nghiệp VN có thể được đánh giá qua những thông tin như:

Tỷ lệ các công nghệ hiện đại, tiên tiến chỉ đạt 16%. Tập trung chủ yếu vào các ngành như dệt (33%), may (46%), khai thác than (37%).

Mức tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và lãng phí nguyên liệu do nguyên nhân công nghệ ở Việt Nam khá cao. Chẳng hạn so sánh với các nước đang phát triển ở cùng nhóm về mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì ngành hóa chất 138%, giấy 127%, than 175%, luyện kim đen 250%.

Hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị công nghệ nhìn chung rất thấp, xét theo thời gian có khoảng 80% tổng số thiết bị chỉ sử dụng duy nhất 1 ca/ngày; hệ số sử dụng công suất máy móc chỉ đạt từ 25-30%.

Hiện tỷ lệ nhóm ngành công nghệ cao ở Việt Nam mới chỉ khoảng 20%, trong khi Singapore là 73%, Malaysia là 51%, Thái Lan là 31%.

Báo cáo đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh các DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước; tại sao giới doanh nhân lại chưa thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ và ít đặt hàng với các nhà khoa học trong nước để tìm ra những giải pháp tiết kiệm nhất cho sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới và thay thế các máy móc ngoại nhập?”

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên