MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính hỏi vay tiền: Vì sao mọi ánh mắt chỉ hướng vào NHNN?

Không chỉ vì con số này có thể tác động đến tỷ giá và lạm phát, mà còn do đây là giao dịch trực tiếp giữa hai cơ quan quản lý ngân sách và tiền tệ của quốc gia.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
68 bài viết

Gần đây Bộ Tài chính đã đưa ra rất nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác điều hành ngân sách nhà nước năm 2015, nhưng tại sao dư luận và mọi sự chú ý chỉ tập trung vào con số vay NHNN 30 nghìn tỷ đồng?

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, sở dĩ đề xuất này thu hút sự quan tâm của dư luận là do không chỉ vì con số này có thể tác động đến tỷ giá và lạm phát, mà còn do đây là giao dịch trực tiếp giữa hai cơ quan quản lý ngân sách và tiền tệ của quốc gia.

Do vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra như: Thời hạn vay là bao lâu? Lãi suất vay là bao nhiêu? Và quan trọng hơn cả là tính độc lập của NHNN trong việc hoạch định chính sách tiền tệ sẽ như thế nào?

Vậy chính sách tiền tệ độc lập đóng vai trò quan trọng đến đâu đối với một nền kinh tế?

Nếu NHNN luôn dễ dãi trong việc cho ngân sách vay tiền (dù gián tiếp hay trực tiếp), tức là chính sách vay nợ của chính phủ không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường nữa, sẽ xuất hiện xu hướng lạm dụng chính sách tiền tệ và hệ quả là lạm phát có thể tăng cao. Sự độc lập của chính sách tiền tệ là cần thiết để hạn chế nguy cơ này.

Tuy nhiên, việc thực thi một chính sách tiền tệ độc lập cũng có cái giá của nó. Khi chính sách tiền tệ đề cao quá mức mục tiêu ổn định giá cả, gánh nặng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những giai đoạn khó khăn sẽ phải đặt lên vai chính sách tài khóa. Điều này lại dẫn đến xu hướng thâm hụt ngân sách và nợ công bị đẩy lên cao.

Đây chính là thực trạng của nhiều nước phát triển trong giai đoạn từ đầu thập kỷ 1980 đến nay. Khi nợ công đã ở mức cao, các nước này lại phải sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng quy mô lớn để đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính, cũng như chống giảm phát.

Nếu thế, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất cần thiết có phải không?

Có lẽ, không ai phủ nhận sự cần thiết phải có phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Vấn đề đặt ra là: Cơ chế phối hợp cần được thiết kế như thế nào để nền kinh tế không gặp những rắc rối về lạm phát cũng như nợ công? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Nếu đề nghị vay NHNN 30 nghìn tỷ đồng của Bộ Tài chính được chấp thuận, sẽ có ý kiến cho rằng đó là sự phối hợp giữa hai cơ quan, nhưng cũng sẽ có ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ đã không còn được hoạch định một cách độc lập nữa.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu NHNN kiên quyết không nới lỏng tiền tệ để bảo vệ tỷ giá, còn Bộ Tài chính nhất quyết phải phát hành đủ số lượng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch đã được Quốc Hội thông qua?

Lúc đó, lãi suất sẽ bị đẩy lên cao và tất cả mọi thành phần trong nền kinh tế đều bị thiệt hại, trừ người gửi tiền tiết kiệm.

Nhưng một nền kinh tế sẽ không thể phát triển, nếu những người không làm gì lại thu lợi nhiều hơn các ông chủ doanh nghiệp suốt ngày “đầu tắt mặt tối”.

Vậy theo ông chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian tới cần phối hợp thế nào?

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, chính sách tiền tệ đã dành ưu tiên nhiều hơn cho mục tiêu ổn định giá cả, còn chính sách tài khóa hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kết quả là lạm phát đã giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức 5-6%, nhưng nợ công lại tăng nhanh.

Đến nay, khi nợ công đã ở mức cao và lạm phát lại đang ở mức rất thấp, đồng thời nền kinh tế vẫn còn chưa đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, cần có sự đảo ngược chính sách. Các kế hoạch ngân sách trong thời gian tới cần đề cao nguyên tắc thận trọng, còn chính sách tiền tệ cần mạnh mẽ hơn.

Nói cách khác, Bộ Tài chính từ này cần chơi ở vị trí hậu vệ, còn NHNN sẽ chơi ở vị trí tiền đạo.

Liệu điều này có xảy ra không, thưa ông?

Nếu mức lãi suất thực cao như hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì, gánh nặng trả nợ của cả khu vực tư lẫn khu vực công đều rất lớn và các khoản chi tiêu sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, từ đó dẫn đến đà phục hồi kinh tế nhiều khả năng sẽ bị chững lại trong năm 2016. Nguy cơ xảy ra tình trạng giảm phát, vì thế, sẽ ngày càng lớn hơn.

Khi chi tiêu ngân sách không thể tăng do nợ công đã gần đạt mức trần và nguồn thu tăng trưởng chậm, NHNN cần sớm hạ lãi suất để chống giảm phát.

Nếu lãi suất không giảm, lạm phát sẽ không tự tăng lên. Việc thực hiện nới lỏng tiền tệ càng muộn bao nhiêu, thì khả năng quy mô nới lỏng sẽ càng phải lớn hơn bấy nhiêu.

Xin cảm ơn ông!

 

Khánh Nhi (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên