MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính không thể cứ thiếu tiền là gõ cửa NHNN

Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình căng thẳng ngân sách. Sáu tháng đầu năm 2015 ước tính bội chi 5,56% GDP, vượt xa mức 5,3% GDP được Quốc hội cho phép.

TS. Hồ Quốc Tuấn
TS. Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol, Anh
3 bài viết

Qua sự kiện này, có ba khía cạnh có thể nhìn về vấn đề ngân sách hiện nay của Việt Nam:

Dự toán thu ngân sách quá lạc quan

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho năm 2015 quá lạc quan, dù khó khăn hiện tại của NSNN là có thể dự báo trước.

Cụ thể, sự lạc quan thể hiện trong quá trình hoạch định nguồn thu. Mặc dù dự đoán phải có sai lệch, nhưng rõ ràng là việc hoạch định nguồn thu từ dầu thô đã bỏ qua nguyên tắc thận trọng trong dự báo và lập kế hoạch tài chính.

Cuối năm ngoái một số phân tích cho rằng giá dầu có thể giảm về dưới 50 USD/thùng, nhưng dự NSNN lại dựa trên một số phân tích khác cho rằng giá dầu sẽ khoảng 100 USD/thùng.

Cơ quan hoạch định ngân sách và các đại biểu Quốc hội khi thông qua dự thảo này có thể đã tập trung hơn vào mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách thấp.

Không phải lúc nào Bộ Tài chính muốn vay cũng được

Một trong những khó khăn trong việc “kiếm tiền” cho ngân sách trong năm nay là phát hành trái phiếu Chính phủ.

Thị trường trái phiếu trong năm 2015 không thuận lợi cho phát hành trái phiếu Chính phủ.

Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng giá trị trái phiếu trúng thầu giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Một số cơ quan như Kho bạc Nhà nước chỉ đạt được chưa tới 30% chỉ tiêu huy động cả năm.

Những tác động chính sách từ Nghị quyết 78 và Thông tư 36 cùng với một số ngân hàng thương mại có thể tăng cho vay, giảm đầu tư trái phiếu đã tạo ra những khó khăn trong việc huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ.

Nhưng nói chung, những chính sách đó là để tạo ra một hệ thống tài chính phát triển bền vững. Việc ngân hàng thương mại tập trung hơn vào việc tăng tín dụng cũng là tích cực cho nền kinh tế.

Do đó, đây là hệ quả phải chấp nhận của việc cải cách thị trường tài chính theo hướng thận trọng hơn.

Về cơ bản, nền kinh tế không phải thiếu tiền, nhưng tiền không phải lúc nào cũng chảy vào trái phiếu Chính phủ để giúp Nhà nước chi tiêu dễ dàng nữa. Bộ Tài chính không thể chủ quan cho rằng Nhà nước muốn vay lúc nào cũng được nữa.

Không thể cứ thiếu tiền là gõ cửa NHNN

Nếu mỗi lần khó khăn Bộ Tài chính cứ tìm đến NHNN về đề xuất dùng dự trữ ngoại hối hoặc vay trực tiếp từ NHNN… thì bảng cân đối tài sản của NHNN sẽ nhanh chóng phình to ra, trong đó tài sản phần lớn sẽ là các khoản nợ của Chính phủ!

Đây là một loại mệnh lệnh hành chính chứ không phải là một quy trình thông thường của quan hệ ngân sách - ngân hàng trong kinh tế thị trường. Đó là Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ, ngân hàng thương mại dùng vốn dư thừa mua trái phiếu, thiếu tiền thì cầm cố trái phiếu cho NHNN.

Trong quy trình này, NHNN không in tiền thoải mái để mua trái phiếu Chính phủ một cách trực tiếp, phục vụ nhu cầu chi tiêu của Chính phủ.

Nếu làm như vậy, các khoản nợ này sẽ có thể “ăn” vào trong dự trữ ngoại hối và các loại quỹ dự phòng khác của NHNN, vốn có thể phải được sử dụng vào mục đích điều hành tiền tệ.

Sự độc lập của NHNN và Bộ Tài chính có cái lý của nó, để tránh sự nhập nhằng về chức năng và rủi ro do những mâu thuẫn lợi ích giữa cơ quan giữ hầu bao của Chính phủ và điều hành chính sách tài khóa với cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ quốc gia.

Chưa tới mức phải làm như vậy!

Thời điểm hiện tại chưa phải là lúc cấp bách đến mức Bộ Tài chính không thu vén được chuyện tiền nong bằng cách thắt lưng buộc bụng.

Trong khi Bộ Tài chính đang nỗ lực “chạy tiền” thì có rất nhiều công trình kỷ niệm hoặc sự kiện diễn ra gây tốn kém hàng trăm tỉ đồng ở cấp địa phương.

Nói tóm lại, Chính phủ bội chi ngoài dự đoán có nhiều nguyên nhân, bao gồm khách quan và chủ quan. Những tác động không lường trước của các chính sách kinh tế cũng như biến động của thị trường nước ngoài sẽ khiến cho Chính phủ đôi khi bị động về vấn đề ngân sách.

Đáng lo hơn là khi “xoay tiền” khó khăn như năm nay, Chính phủ có thể trở nên “keo kiệt” hơn trong chi phát triển và tăng các khoản thuế và thu ngân sách cho năm sau với tinh thần giảm nợ công và giảm bội chi thông qua tăng thuế, phí và không tăng chi cho y tế, giáo dục, hạ tầng kinh tế thiết yếu.

Khi mà chúng ta còn rất nhiều dự án dùng vốn ngân sách đang hoạt động dưới công suất hoặc không thiết yếu (có thể bán hay tạm dừng), và nhiều công ty nợ thuế có thể thu được, thì đừng vì “xoay tiền” khó khăn mà tác động đến cuộc sống người dân và xa hơn là tạo ra những tiền lệ thúc đẩy nhanh một chu kỳ bong bóng và suy thoái kế tiếp.

 

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol - Anh)

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên