Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thừa nhận có buôn lậu và kinh tế ngầm
Sáng nay (ngày 12/6/2015) Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
- 12-06-2015Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Văn bản cho ngành công nghiệp phụ trợ là món nợ của tôi"
- 12-06-2015Công nghiệp ô tô ở “ngã ba đường” và trách nhiệm của Tư lệnh ngành công thương
- 11-06-2015Giá điện và xăng tiếp tục làm khó Bộ trưởng Bộ Công Thương
Liên quan đến câu hỏi về của đại biểu vì sao giá xăng dầu trong nước luôn đi ngược chiều so với giá thế giới?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện việc điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước được căn vào giá xăng dầu thành phẩm của thị trường Singgapo chứ không phải giá dầu thô trên thế giới.
“Ở thời điểm đại biểu và người dân thấy giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng là giá dầu thô giảm, chứ không phải giá xăng dầu thành phẩm giảm. Còn khi điều chỉnh giá thì tại thời điểm đó là giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn tăng"
Về việc sử dụng quỹ bình ổn (BOG), vừa qua Liên bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 83. Bản chất của BOG được thực hiện nhằm mục đích mỗi lần giá thế giới tăng nhưng tùy thuộc vào tình hình trong nước để điều chỉnh giá trong nước không quá cao.
“Ví dụ như dịp thế nguyên đán vừa qua, quỹ BOG đã sử dụng 50% để giá trong nước không tăng quá cao” – Bộ trưởng Hoàng lấy ví dụ.
Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng quỹ đang được thực hiện đúng quy định và công bố công khai chi tiết trên cổng thông tin của Bộ Tài chính cũng như Bộ Công Thương.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đã không đồng ý với câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu nhắc lại: Tôi muốn Bộ trưởng cho biết việc chênh lệch số liệu thì có nền kinh tế ngầm hay không chứ không phải yêu cầu Bộ trưởng giải trình về con số?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Số liệu thống kê của Việt Nam hiện nay là chính xác và chính thức. Toàn bộ số liệu đều được hải quan ghi nhận, thống kê từ các cửa khẩu chính thức.
“Việc chênh lệch số liệu là chắc chắn có buôn lậu và có kinh tế ngầm” – Người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận với đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng: Để đánh giá đầy đủ mức độ gây hại đến nền kinh tế thế nào thì hiện chưa có cơ sở, dù trong đó yếu tố có liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường là có.
Quay trở lại câu hỏi về việc quản lý giá sữa của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Hoàng đồng tình với nhận xét thời gian qua hiệu quả quản lý giá với mặt hàng sữa chưa đúng như mong muốn.
Một số giải pháp để có thể giảm được giá sữa, Bộ trưởng Hoàng nói: Việc tăng cường sản xuất trong nước là một trong những giải pháp hữu hiệu.
“Nếu có nhiều mô hình chăn nuôi, chế biến và sản xuất khép kín như một số doanh nghiệp trong nước đang như Vinamilk, TH Truemilk… làm thì sẽ góp phần quản lý giá sữa tốt hơn".
Đồng thời với đó là tăng cường kiểm tra kiểm soát. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kết hợp với thanh tra giá của Bộ Tài chính. Song song đó, việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan để kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các cơ sở, tổ chức kinh doanh sữa theo đúng quy định nhà nước hay chưa cũng được tính đến trong biện pháp quản lý giá sữa, vì chúng ta không thể hạn chế nhập khẩu mặt hàng này được", Bộ trưởng Hoàng giải thích.