MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các bộ phải rà soát lại vụ tính tiền xây biệt thự, bể bơi vào giá điện

Liên quan việc Thanh tra Chính phủ kết luận Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tính cả tiền xây biệt thự, bể bơi vào giá điện..., Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ rà soát lại cả ở những nhà máy, khu công nghiệp khác.

Trong khi đó tại hội thảo do Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức ngày 13-12, EVN khẳng định thiếu vốn, cần điều chỉnh giá điện theo thị trường...

Nghiêm túc rút kinh nghiệm...

EVN nợ ngân hàng nội khoảng 7 tỉ USD

Theo tham luận của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9-2013, EVN đã nợ các tổ chức tín dụng trong nước 144.000 tỉ đồng (khoảng 7 tỉ USD) và đây là mức nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Phía Ngân hàng Nhà nước nêu ngoài việc sẽ tiếp tục tháo gỡ vốn cho ngành điện thì Bộ Công thương cũng cần rà soát lại quy hoạch, tránh đầu tư dàn trải, đồng thời dừng các công trình điện không hiệu quả...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa ký văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại EVN.

Theo đó, Thủ tướng đã chủ trì riêng một cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra tại EVN với đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, EVN...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Thanh tra Chính phủ đã thanh tra EVN nghiêm túc, có trách nhiệm. Dù chưa phát hiện tham nhũng nhưng với việc Thanh tra Chính phủ nêu rõ những ưu, khuyết điểm của EVN, Thủ tướng yêu cầu EVN cần xem lại tại sao hằng năm đều có kiểm toán nhưng lại không phát hiện những sai phạm, khuyết điểm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chính thức yêu cầu EVN thực hiện kết luận thanh tra. Riêng một số nội dung cụ thể như đầu tư ngoài ngành (kết luận thanh tra nêu công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền 121.790 tỉ đồng), Thủ tướng xác định việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất điện.

Tuy nhiên, với khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính gần 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng nêu EVN phải cân nhắc lộ trình thoái vốn, không để sơ hở cho các đối tượng trục lợi.

Việc EVN mua xe hơi vượt định mức, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đặc biệt, với vấn đề báo chí nêu EVN tính cả tiền xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công thương, Bộ Xây dựng phải rà soát lại các khoản chi phí trên của ngành điện (dưới tên khu nhà ở, nhà quản lý, vận hành) không chỉ ở sáu dự án nêu trong kết luận thanh tra mà cả ở các nhà máy, khu công nghiệp khác. Từ đó, các bộ sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, phù hợp, báo cáo Thủ tướng.

Tiếp tục đề nghị tăng giá điện

Trong khi đó, tại hội thảo về vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách do Hiệp hội Năng lượng tổ chức ngày 13-12, ông Dương Quang Thành - phó tổng giám đốc EVN - nêu từ năm 2011-2015, bình quân mỗi năm EVN sẽ có nhu cầu vốn đầu tư tới trên 100.000 tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD).

Giai đoạn 2016-2020 còn cao hơn, tới 150.000 tỉ đồng/năm, trong đó riêng tiền trả nợ gốc và lãi vay trong cả giai đoạn trên lên tới khoảng 198.000 tỉ đồng (gần 10 tỉ USD). Nêu thực tế giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính của EVN vẫn đang trong tình trạng lỗ, ông Thành nêu chín kiến nghị, trong đó đầu tiên vẫn là đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường...

Nhiều ý kiến của các ngân hàng cũng đề nghị cho tăng giá điện. Ông Bùi Văn Thạch, phó Ban Kinh tế trung ương, cho rằng giá điện bình quân khu vực đã 11-12 cent/kWh.

Thị trường điện VN đã bao cấp quá lâu, cả cho đầu tư nước ngoài. Vì vậy theo ông Thạch, cần đẩy nhanh thị trường hóa ngành điện, như đã có ý kiến đề nghị đến năm 2020 phải có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (thay vì phải sau năm 2022 - PV).

TS Bùi Huy Phùng nêu thực tế đầu tư vào lưới điện ở VN còn ít. Sự cố cần cẩu làm rã lưới điện miền Nam ngày 22-5-2013 đến nay vẫn chưa tính được hậu quả.

Dù giá điện đã là 1.659 đồng/kWh nhưng ông Phùng nêu phí cho truyền tải điện ở VN mới chỉ có 83,3 đồng/kWh, chỉ chiếm 5% trong khi nhiều nước là 10%. Ông Phùng đề nghị phải phân bổ vốn đầu tư hợp lý hơn, đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về tình trạng thiếu an toàn hệ thống điện.

Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, nêu dù EVN đang đầu tư nhiều nhà máy điện, nhưng phần lớn rơi vào nhà thầu nước ngoài (chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc - PV). Trong khi đó, theo ông Thụ, các doanh nghiệp trong nước có thể làm nhiều hạng mục, tới 30% các công đoạn cho nhà máy nhiệt điện.

Thị trường làm nhiệt điện ở VN 10 năm tới khoảng 70 tỉ USD, nếu để doanh nghiệp VN làm 30%, họ sẽ có 20 tỉ USD, giúp nâng năng lực doanh nghiệp trong nước, nuôi sống hàng vạn lao động... Hiện nay, ông Thụ cho rằng tình trạng các nhà thầu ngoại trúng thầu đang như một “thảm kịch, cần có tiếng nói”...

Theo CẦM VĂN KÌNH

thunm

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên