MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các bộ tuyệt đối không được ban hành “giấy phép con”

Các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề này.

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi xem xét báo cáo ngày 29/1/2015 của Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số Bộ, địa phương ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và một số văn bản cần rà soát, xử lý theo quy định tại Nghị định số 16/2013 ngày 6/2/2013 về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số 40/2010 ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định số 40/2010 và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2015.

Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh – thường được gọi là “giấy phép con” - là một trong những vấn đề đáng chú ý và cũng gây tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng các luật nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015) đã lần đầu tiên ban hành kèm theo Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước đó, có khoảng gần 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định tại nhiều văn bản khác nhau.

>>>Giấy phép "con" cản trở đầu tư, kinh doanh

Anh Tân

Hồng Cúc

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên