MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp xã hội cần một chính sách riêng

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Hội đồng Anh kết hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức hội thảo.

Công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách.”

Mặc dù tại một số nước như Anh, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, doanh nghiệp xã hội (DNXH) phát triển khá mạnh nhưng tại Việt Nam khái niệm này còn khá mới. Tuy nhiên, xã hội không thể phát triển bền vững nếu chỉ tồn tại và phát triển hai khu vực nhà nước và tư nhân.

Đặc biệt số người nghèo tại Việt Nam được ước tính lên tới hơn 10 triệu người và khoảng 5 triệu người đang ở ngưỡng cận nghèo hoặc có nguy cơ tái nghèo. Điều này đã tạo ra những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là tạo lập sinh kế bền vững cho đối tượng này. Đó là chưa kể những khó khăn về kinh tế, yêu cầu tái cơ cấu, giảm nợ công, tài khóa thắt chặt như hiện nay, trong khi xu hướng tài trợ cho Việt Nam ngày càng giảm dần.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của các loại hình DNXH sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống của thị trường.

Công ty TNHH KOTO, công ty TNHH Viet Pictures, Công ty CP Tò he, công ty TNHH Marine Gilfs… là những tên tuổi khá quen thuộc trong việc giúp giải quyết các vấn đề xã hội, đào tạo kỹ năng nghề cho con em nghèo, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật. 

Các doanh nghiệp này thường đi vào khai thác thị trường ngách, sáng tạo những sản phẩm mới, tạo lập thị trường mới, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Mô hình DNXH theo đánh giá của nhiều chuyên gia sẽ dung hòa được mục tiêu xã hội bền vững và thử thách khắc nghiệt của thị trường.

Được coi là doanh nghiệp xã hội, hơn 10 năm qua, công ty TNHH Tò he hoạt động chủ yếu dựa trên các sản phẩm thời trang dựa trên những sáng tạo của những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Theo đánh giá của bà Phạm Thị Ngân, Giám đốc công ty Tò he: “Những doanh nghiệp xã hội khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đôi khi bị đánh giá là mang tính vụ lợi, phản cảm, không rõ ràng. Việc này gây cản trở rất nhiều cho hoạt động của các doanh nghiệp. Xã hội thường nhận thức là doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận.

Do vậy, sự hợp tác của các bên với chúng tôi thường khá dè dặt. Điều mà hầu hết các DNXH mong đợi là một cơ chế chính sách riêng, có những ưu đãi nhất định ngay từ khi đăng ký kinh doanh vì đây là loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù tập trung vào hỗ trợ cộng đồng và xã hội phát triển bền vững thay vì tối đa hóa lợi nhuận như các doanh nghiệp thông thường.”

Trao đổi về vấn đề này TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: “Hiện tại, chính sách cụ thể về DNXH tại Việt Nam vẫn chưa có. Các doanh nghiệp này ra đời chủ yếu vẫn dựa vào sáng kiến cá nhân hoặc tự phát trước nhu cầu của cộng đồng nhỏ chứ chưa có định hướng riêng cho sự phát triển doanh nghiệp mang tính đặc thù này.”

Cũng theo ông Cung: “Báo cáo DNXH tại Việt Nam là nghiên cứu đầu tiên về mô hình doanh nghiệp này. Điều này một mặt tác động đến nhận thức xã hội. Mặt khác đây cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách có được những tài liệu nghiên cứu đầu tiên để có thể đưa ra những chính sách trong tương lai tạo tiền đề cho sự phát triển các DNXH tại Việt Nam.”

Theo Hải Hà

Báo đầu tư

                                                                                     

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên