MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các kịch bản giá dầu và tác động kinh tế năm 2016

Đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20% nên việc giá dầu giảm sẽ có tác động tới ngân sách Nhà nước và nền kinh tế.

Đó là nhận định của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) tại Hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo Kinh tế - xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” sáng ngày 2/12 tại Hà Nội.

Theo đó, với giả định giá dầu trung bình của thế giới trung trung hạn theo 3 kịch bản là 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng, NCIF đã chỉ ra những tác động của việc giá dầu giảm tới nền kinh tế Việt Nam.

Với kịch bản giá dầu giảm xuống mức 50 USD/thùng

Tăng trưởng kinh tế thế giới được cải thiện do tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là những nước nhập khẩu dầu được cải thiện, với mức trung bình giai đoạn 2016 – 2020 đạt mức 3,93%.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam – là nước vừa nhập khẩu xăng dầu, vừa xuất khẩu dầu thô sẽ chịu tác động cả tiêu cực và tích cực. Cụ thể, nền kinh tế sẽ giảm 0,42 điểm % trong năm 2016 do xuất khẩu cải thiện với mức tăng thêm là 0,77 điểm % do tăng trưởng kinh tế thế giới được cải thiện và kim ngạch nhập khẩu giảm 0,41 điểm %, lạm phát giảm 1,11 điểm %.

Đồng thời, do đồng tiền tăng gia 1,26 điểm % nên tác động tới xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế thế giới những năm sau được cải thiện nên có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

NCIF cho rằng việc giá dầu giảm ở mức 50 USD/thùng cũng sẽ tạo nên cú sốc tới nền kinh tế nước ta, khiến GDP giảm mạnh vào năm 2016 song giảm dần vào các năm sau do các nền kinh tế là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam được cải thiện.

Kịch bản giá dầu thế giới giảm xuống mức 40 USD/thùng

Với kịch bản giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng, so với cùng kỳ năm trước các nền kinh tế phát triển – vốn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu được cải thiện khá. Nhưng do các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ chịu tác động tiêu cực nặng nề trong năm đầu tiên (2016) lấy lại được đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình giai đoạn 2016 – 2020 đạt mức 4,09%.

Đối với Việt Nam, thu ngân sách giảm mạnh nên tác động tới chi tiêu Chính phủ và cầu trong nước, khiến quy mô GDP 3 năm giai đoạn 2016 – 2018 suy giảm mạnh so với kịch bản không có cú sốc giảm giá dầu này.

Kịch bản giá dầu thế giới giảm xuống mức 30 USD/thùng

Tương tự kịch bản thứ hai, khi xem xét % thay đổi về quy mô GDP so với kịch bản cơ sở, thì cú sốc giảm giá dầu này có tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới nói chung trong năm 2016 – 2017. Trong đó, những nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy, Trung Đông và châu Phi chịu tác động tiêu cực nặng nề. Song những nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật Bản được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm sâu.

Đối với Việt Nam, do thu ngân sách giảm mạnh nên tác động tới chi tiêu Chính phủ và cầu trong nước, khiến quy mô GDP suy giảm mạnh trong ba năm giai đoạn 2016 – 2020 với kịch bản không có cú sốc giảm giá dầu.

Cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia NCIF, rủi ro lớn nhất với Việt Nam khi nền kinh tế phụ thuộc quá cao vào nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, cần tận dụng cơ hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chuyển hướng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và tăng cường thu hút đầu tư từ các nền kinh tế TPP và các nền kinh tế phát triển khác.

Trong đó, chú trọng vào những ngành sản xuất đầu vào cho quá trình sản xuất của những ngành có tác động lan tỏa tới kinh tế và là ngành mũi nhọn của Việt Nam. Đồng thời, chuyển hướng sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh sang các thị trường TPP.

Giá dầu giảm cũng có tác động tích cực tới nền kinh tế VIệt Nam, khi kích thích khu vực doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển do chi phí đầu vào giảm khi giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng. Do đó, NCIF cho rằng Chính phủ cần điều tiết giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng để tận dụng cơ hội này, tập trung vào việc kiểm soát giá xăng dầu và giá cước vận tải.

Đồng thời, Chính phủ cần cải tổ hệ thống thuế quốc gia từ Trung ương tới địa phương để đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm sâu và ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, cần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng và phát triển mạnh, từ đó giúp cho ngân sách và nền kinh tế được cải thiện và tăng trưởng bền vững. Theo đó, cần có giải pháp tổng thể, quyết liệt để tái cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trên cơ sở tiến hành cải cách thể chế một cách sâu rộng, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và bình đẳng cho doanh nghiệp.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên