Cho rằng mức
thâm hụt ngân sách lên tới 9% GDP của Việt Nam hiện nay
là lớn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị Chính
phủ bám sát kế hoạch chi tiêu năm 2010 để đảm bảo
chính sách tài khóa bền vững.
Thông điệp này
được đại diện cấp cao IMF đưa ra tại Hội nghị giữa
kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) khai mạc ở Kiên
Giang sáng nay.
Theo cách tính của IMF, thâm hụt ngân sách
của Việt Nam năm 2009 chiếm tới 9% GDP (mức Việt Nam
công bố là 6,9% GDP). Trong bối cảnh diễn biến ngân sách
chưa rõ ràng, mức thâm hụt như vậy được cơ quan này
đánh giá là lớn và không bền vững.
Việt Nam có kế
hoạch giảm thâm hụt ngân sách 2010 xuống còn 6% GDP. IMF
đánh giá cao mục tiêu này, song khuyến cáo sẽ rất khó
thực hiện trong môi trường thế giới chưa hoàn toàn
phục hồi sau suy thoái như hiện nay.
"Trong môi trường
toàn cầu hiện nay, sự không chắc chắn như vậy của vị
thế tài khóa là không nên và chúng tôi khuyến nghị
Chính phủ cam kết bám sát kế hoạch chi ngân sách 2010 để
đảm bảo chính sách tài khóa bền vững", đại diện
IMF nói.
Là một nền
kinh tế thị trường mới nổi, Việt Nam có nhu cầu lớn
về đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất và nguồn nhân
lực. Song theo IMF, thách thức nằm ở chỗ phải cấp vốn
cho các khoản đầu tư này mà vẫn đảm bảo tính bền
vững của tài khóa.
"Điều này
sẽ đòi hỏi phải xếp thứ tự ưu tiên một cách có kỷ
luật các dự án đầu tư công và đẩy mạnh thêm các nỗ
lực đang được thực hiện để huy động nguồn thu ngân
sách và nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi", IMF
khuyến cáo.
IMF dự báo nợ
của Việt Nam có thể được duy trì ở mức bền vững,
nhưng còn phụ thuộc vào việc duy trì được mức tăng
trưởng tương đối cao và giảm thâm hụt ngân sách xuống
mức thận trọng lịch sử mà Việt Nam đã duy trì trước
khi có cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Thông điệp của
IMF được đưa ra trong bối cảnh dư luận lo thâm hụt
ngân sách của Việt Nam sẽ gia tăng khi nhu cầu chi đầu
tư phát triển rất lớn, tỷ lệ vay nợ cũng có thể
tăng cao khi Việt Nam đưa ra nhiều dự án với số vốn
lớn, như đường sắt cao tốc 56 tỷ USD.
Phó thủ tướng
Nguyễn Sinh Hùng mới đây cho biết có khả năng điều
chỉnh ngưỡng an toàn về vay nợ lên cao hơn mức 50% GDP
hiện nay.
Tại phiên họp
sáng nay, IMF cũng như các nhà tài trợ khác đều đánh
giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phục hồi và ổn
định kinh tế sau khủng hoảng toàn cầu.
IMF dự báo tốc
độ tăng trưởng GDP năm 2010 của Việt Nam có thể đạt
6,5%, lạm phát sẽ không quá 10%, thâm hụt cán cân vãng
lai sẽ được cải thiện, niềm tin vào tiền đồng vững
chắc hơn.
Tuy nhiên các nhà
tài trợ khuyến cáo Việt Nam cần củng cố sự ổn định
kinh tế vĩ mô hơn nữa. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba
cho rằng với mức dự trữ ngoại hối hạn hẹp, cộng
với nhập siêu, lạm phát có thể cao trở lại, Việt Nam
cần có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến
phát triển bền vững.
Theo IMF, các
chính sách nới lỏng quá sớm có thể dẫn đến những
xáo trộn nữa trong thị trường ngoại hối và thị
trường tiền tệ liên ngân hàng vào cuối năm nay. Điều
này sẽ cản trở phục hồi trong ngắn hạn và ảnh hưởng
bất lợi tới việc xây dựng lại niềm tin đối với
môi trường kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Đại diện
Australia khuyến cáo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn,
chưa phát triển vững chắc nên Chính phủ cần có những
chính sách rõ ràng, nhất quán trong việc đưa ra thông
điệp cho thị trường.
Đại diện Ngân
hàng Thế giới, ông Martin Rama, cho rằng Việt Nam còn
khoảng cách giữa việc lên kế hoạch sử dụng ngân sách
và giải ngân trong thực tế.
Ông nêu ví dụ trong khi
những quốc gia khác trong khu vực đã thu hút sự quan tâm
của nhiều nhà đầu tư mới bởi sự minh bạch thông tin
trong thị trường tài chính tiền tệ thì Việt Nam còn
yếu khâu này.
Việt Nam trở
thành nước có mức thu nhập trung bình
Trong bài phát
biểu tại hội nghị sáng nay, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc
Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tuyên bố
Việt Nam vừa mới tham gia vào nhóm các quốc gia có thu
nhập trung bình (MICs) và cán mốc này trước thời hạn
đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội trước
đó.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới mới công
bố gần đây, một nước được gọi là thu nhập trung
bình phải có mức thu nhập bình quân đầu người tối
thiểu là 1.000 USD.
Trước đó không
lâu, tại Hội nghị CG hôm 4/12 năm ngoái, Ngân hàng Thế
giới khẳng định Việt Nam đang trên con đường tiến
lên thành một nước có mức thu nhập trung bình. Còn tại
Hội thảo "Phát triển và Giảm nghèo của các nước
đang phát triển thời kỳ hậu khủng hoảng" hồi
tháng 3 vừa rồi, các tổ chức như IMF vẫn xếp Việt
Nam trong nhóm thu nhập thấp.
Tuy Việt Nam đã
chính thức trở thành một nước thu nhập trung bình theo
định nghĩa của WB, tổ chức này cho rằng trong thời
gian tới, sẽ có rất nhiều thách thức vẫn còn phải
làm.
Trước hết, vẫn
còn rất nhiều chương trình của một nước có thu nhập
thấp chưa được hoàn thành, bao gồm việc giải quyết
nghèo đói ở khu vực dân tộc thiểu số, chất lượng
phổ cập giáo dục và dịch vụ y tế, cơ hội sử dụng
nước sạch và vệ sinh, đặc biệt là ở nông thôn.
Bên
cạnh đó, những thách thức mới đi kèm với vị thế
của một nước MICs mới nổi cũng đến, khi các nguồn
tín dụng hỗ trợ phát triển ưu đãi IDA dành cho nước
thu nhập thấp dần ít đi, thay vào đó là nguồn vốn vay
IBRD với điều kiện vay sát với thị trường.
|
Theo Nhóm phóng viên
VnExpress