MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách thủ tục hành chính thuế: Từ mệnh lệnh đến thực thi

Vượt qua những hình dung của dư luận là khá khép kín và luôn “ẩn mình” để làm khó người nộp thuế, trong năm qua, ngành Thuế đã có bước chuyển ngoạn mục, từ cung cách quản lý hành chính sang dịch vụ, tạo thuận lợi tốt nhất cho cộng đồng DN.

Đối diện với sự thật

Còn nhớ, trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2014, số giờ thực hiện thủ tục thuế đối với thuế GTGT, thuế TNDN và các khoản Bảo hiểm xã hội (BHXH) là 872 giờ (trong đó thuế là 537 giờ và BHXH là 335 giờ).

“Số giờ nộp thuế đứng “đội sổ” bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế trong nhóm 12 nước ASEAN + Trung Quốc, thua kém hơn cả Lào, Campuchia và Myanmar là không thể chấp nhận được”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khá gay gắt trong buổi làm việc với Tổng cục Thuế diễn ra vào trung tuần tháng 7-2014.

Để cải thiện tình hình, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đến cuối năm 2015 cắt giảm số giờ thực hiện các thủ tục về thuế xuống ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN - 6 là 121 giờ và đến 2016 xuống ngang bằng mức trung bình của nhóm các nước ASEAN - 4.

Theo người đứng đầu ngành Thuế, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam, đây là một thách thức lớn đối với ngành Thuế nhưng ngành Thuế xác định đây cũng là thời cơ để vượt qua chính mình. Trong năm 2014, với các văn bản pháp quy đã ban hành và được thực thi, số giờ thực hiện các TTHC thuế giảm được khoảng 290 giờ.

“Thừa thắng xông lên”, năm 2015, thông qua việc cải cách thể chế chính sách, đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử, rà soát, chuẩn hoá 70 quy trình, quy chế và cắt giảm 63 thủ tục, đơn giản hóa 50 thủ tục về thuế..., số giờ thực hiện các TTHC thuế giảm được khoảng 130 giờ. Như vậy, cùng với kết quả giảm số giờ nộp thuế đã triển khai trong năm 2014, tính đến thời điểm tháng 11-2015, tổng số giờ thực hiện các TTHC trong lĩnh vực thuế đã giảm được 420 giờ, còn 117 giờ (vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP là 121,5 giờ).

Nhìn lại các cải cách về chính sách và thủ tục hành chính thuế thời gian qua, Trưởng phòng Kế toán Tài chính, Công ty Honda Việt Nam, bà Đinh Thị Liên nhận thấy, với hàng loạt chính sách thuế thay đổi trong năm 2014 và 2015 theo hướng tạo điều kiện cho DN không chỉ thể hiện thiện chí ngành Thuế trước những khó khăn chung của DN mà còn cho thấy Ngành đã biết lắng nghe, quan tâm đến các kiến nghị của cộng đồng DN.

Điều này cũng được ghi nhận rõ nét trong báo cáo đánh giá cải cách TTHC thuế: Mức độ hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 8-2015 cho thấy, chỉ số đánh giá sự hài lòng của DN đối với CCTTHC thuế tại tỉnh trung vị năm 2014 là trên 71% theo thang điểm 100.

“Thông qua việc cắt giảm thời gian nộp thuế và bãi bỏ những quy định, chứng từ không cần thiết đã giúp hơn 500 ngàn DN được hưởng lợi, tiết kiệm được khoảng 1 triệu giờ nộp thuế, từ đó có nhiều điều kiện hơn về thời gian và chi phí tập trung cho phát triển. Đây là thành công và cũng là điển hình cần được nhân rộng trong các lĩnh vực khác”- Chuyên gia thuế cao cấp của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ông Jonathon Kirkby nói.

Đại diện nhóm 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015, Tổng giám đốc Công ty TNHH TPR Việt Nam, ông Makoto Yokouch cho rằng, các DN nhận thấy các chính sách thuế hiện nay có ảnh hưởng rõ ràng và thuận lợi hơn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. “Chúng tôi chờ đợi các chính sách thuế sẽ thay đổi khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại. Theo đó, các DN sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký Hiệp định TPP”- ông Makoto Yokouch nói. Điều này cho thấy, niềm tin của DN Việt Nam vào tương lai sáng lạn trong cuộc cạnh tranh cũng như hy vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Tiếp tục cầu thị

Mặc dù đã đạt được những kết quả cải cách ngoài mong đợi nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam vẫn cho rằng, đây chỉ là các bước khởi đầu, còn rất nhiều việc phải triển khai. Bởi lẽ quá trình cải cách thuế chưa bao giờ là dễ dàng và nhanh chóng.

Và theo nhận định của Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, khi vẫn còn không ít DN gặp khó về các quy định pháp luật, chính sách thuế, các biểu mẫu còn rườm rà hay thay đổi và phức tạp… thì gánh nặng đặt lên vai cơ quan Thuế là làm sao đảm bảo sự minh bạch trong chính sách thuế và nhất là chính sách thuế phải giữ được ổn định lâu dài để DN yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.

“Phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy những kỳ vọng đối với ngành Thuế trong công tác thanh, kiểm tra thuế cũng cần có thêm nhiều cải thiện. Dù việc thực hiện thanh, kiểm tra thuế là công việc bình thường của cơ quan Thuế, nhưng nhiều DN mong muốn cơ quan Thuế thực hiện công tác này cần theo cách thức giảm thiểu gánh nặng thời gian và chi phí cho DN”- ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra. Mặt khác, theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, muốn cải cách thủ tục hành chính về thuế, không chỉ có sửa đổi về chính sách mà còn cả vấn đề con người thực hiện. Nếu chính sách thay đổi rất nhiều nhưng không được sự đồng thuận của những người trực tiếp tham gia thực hiện thì cũng rất khó. Bởi theo kết quả khảo sát của VCCI, vẫn có 32% DN được hỏi cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Khoảng 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức. Vì vậy, cộng đồng DN mong muốn ngành Thuế không ngừng nâng cao năng lực giải quyết công việc và phẩm chất đạo đức của cán bộ thuế.

Trong nỗ lực minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định, trong thời gian tới ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ về thuế, công khai thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế, nghiên cứu để xây dựng bộ phận hỗ trợ tiếp nhận thông tin phản hồi của người nộp thuế tập trung tại Tổng cục Thuế để hướng dẫn cho DN về các dịch vụ khai/nộp thuế điện tử.

“Ngành thuế cũng sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thuế Chuyên nghiệp - Minh bạch - Liêm chính - Đổi mới thông qua việc thực hiện chế độ trách nhiệm công vụ và cơ chế kiểm tra giám sát đối với công chức trong công tác quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế, đảm bảo việc CCTTHC thuế tạo thuận lợi cho DN”- ông Bùi Văn Nam cam kết.

Theo Thu Hằng

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên