MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có cơ chế đột phá về tiền lương

Lương tối thiểu năm 2011 tăng 295,2% so với năm 2003, nhưng nếu trừ đi tốc độ tăng giá tiêu dùng trong khoảng thời gian này, thì tiền lương thực tế tăng chưa đến 60%, mỗi năm chỉ tăng 5,4%.


Dưới góc nhìn của nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi, quá trình cải cách tiền lương đang đi vào vòng luẩn quẩn sau 20 năm thực hiện và cần có cơ chế đột phá về tiền lương trong thời gian tới để có thể cải cách bộ máy hành chính.

Thưa ông, trọng tâm của cải cách tiền lương là nâng lương tối thiểu, nhưng việc nâng lương hàng năm trên thực tế chỉ chạy theo giá cả thị trường?

Đúng là việc nâng lương tối thiểu chỉ bảo đảm bù trượt giá, còn đời sống của những người hưởng lương từ ngân sách được cải thiện không đáng kể. Cụ thể, lương tối thiểu năm 2011 tăng 295,2% so với năm 2003, nhưng nếu trừ đi tốc độ tăng giá tiêu dùng trong khoảng thời gian này, thì tiền lương thực tế tăng chưa đến 60%, mỗi năm chỉ tăng 5,4%.

 Tiền lương của đại bộ phận người lao động chủ yếu được dùng để mua lương thực, thực phẩm. Nếu trừ đi tốc độ tăng giá lương thực, thực phẩm, thì 9 năm qua, tiền lương thực tế chỉ tăng 11% (bình quân mỗi năm tăng 1,2%).

Điều đáng nói là, tốc độ điều chỉnh lương thực tế đang có xu hướng giảm dần; tăng lương hầu như không tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Chính vì vậy mà “người nhà nước” mới tìm cách tăng thu nhập từ bên ngoài thay vì tận tâm, tận lực với công việc?

Đây là điều rất đáng lo ngại. Theo tính toán của tôi, tiền lương và chính sách đãi ngộ hiện hành quá thấp so với công sức của những cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm tận tâm, tận lực với công việc; làm việc có chất lượng, có hiệu quả, nhưng lại không hề thấp với đa số cán bộ, công chức, viên chức còn lại - những người làm việc thì ít mà lợi dụng công việc để kiếm thu nhập bên ngoài thì nhiều.

Nhà nước cũng muốn bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, nhưng nguồn ngân sách để tăng lương có hạn. Vậy lấy tiền đâu để tăng lương, thưa ông?

Ngoài ngân sách cấp hàng năm, các bộ, ngành, địa phương được sử dụng 50% số tăng thu ngân sách, thực hiện tiết kiệm 10% chi phí hành chính lấy nguồn để tăng lương. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế được sử dụng 35%-40% nguồn thu được để lại theo chế độ quy định để tăng lương. Cách tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương đang được thực hiện chỉ giải quyết được việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình, chứ chưa mang tính đột phá.

Theo tôi, muốn tăng lương theo đúng nghĩa, lương phải bảo đảm cho người hưởng lương đủ sống và có một phần để nuôi gia đình họ, thì phải mạnh dạn cắt giảm một bộ phận công chức làm việc không hiệu quả.

Có nghĩa là cải cách tiền lương phải gắn với chất lượng công việc?

Đúng vậy. Phải mạnh dạn tinh giản ít nhất 40% số công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, phải tách chính sách hưu trí, chính sách người có công ra khỏi chính sách tiền lương. Chính sách hưu trí do Bảo hiểm Xã hội chi trả, không phải nguồn từ ngân sách, nhưng từ trước đến nay, chính sách này gắn chặt với chính sách tiền lương, nên mỗi khi nâng lương lại phải cân nhắc, tính toán đến quỹ của Bảo hiểm Xã hội. 

Vì thế, không thể tăng lương xứng đáng cho công chức. Ngoài ra, phải tách bạch công chức với những người cũng làm việc tại cơ quan hành chính, nhưng không phải là công chức như bảo vệ, lái xe, tạp vụ… theo hướng Nhà nước chỉ bảo đảm lương cho công chức, những đối tượng còn lại thực hiện chế độ trả lương theo hợp đồng lao động.

Đối với một bộ phận công chức được giao nhiệm vụ làm việc tại khu vực doanh nghiệp nhà nước, theo ông, cần có những chính sách nào để cải cách tiền lương cho họ?

Theo tôi được biết, tiền lương bình quân của người lao động làm việc tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 13,7 triệu đồng/tháng, Vietcombank là 22,4 triệu đồng/tháng, Vietinbank là 20,7 triệu đồng/tháng… Đây là thu nhập bình quân, còn thu nhập của công chức được giao nhiệm vụ tại các đơn vị trên chắc chắn cao hơn nhiều.

Tôi cho rằng, công chức làm việc tại khu vực doanh nghiệp nhà nước được hưởng lương cao là phù hợp, bởi lương (thu nhập) của họ phụ thuộc vào hiệu quả công việc, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nơi họ được giao quản lý, được giao làm đại diện vốn Nhà nước. 

Vấn đề đặt ra là, Nhà nước phải giám sát được hiệu quả hoạt đông sản xuất - kinh doanh và quỹ lương của doanh nghiệp. Người lao động nói chung và công chức nói riêng tại khu vực doanh nghiệp chỉ có thu nhập cao khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao. 

Cũng như khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh, Nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích công chức làm việc tại khu vực doanh nghiệp tự nâng thu nhập chính đáng cho mình thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Mạnh Bôn
Báo đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên