MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao su chết nhiều, cho hiệu quả cao?

Theo GS Lung, một thực tế hiện nay đang rất đáng lo ngại là đến thời điểm cây cao su cho mủ người ta còn không dám chích bởi khi cây phát triển không đúng điều kiện thì cũng không cho mủ.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng một số diện tích cao su ở Việt Nam được mở rộng ở những vùng không phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng và điều này có thể dẫn đến rủi ro, cây chết hàng loạt. Trước thông tin này ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai khẳng định: tại Gia Lai có tình trạng cao su chết nhiều nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Nói kinh tế nhưng trồng thì chết

Trả lời về việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su quá mức khiến diện tích rừng bị thu hẹp lại, ông Kpă Thuyên khẳng định: Để có đất trồng cao su thì phải chuyển đổi rừng nghèo, như thế đương nhiên rừng sẽ bị thu hẹp lại.

Cũng chính từ quan điểm này nên khi Chính phủ đưa ra chủ trương cho cả Tây Nguyên 90.000-100.000ha ngay sau đó, khi Bộ NN&PTNT chưa hướng dẫn, hàng loạt tỉnh đã “tranh thủ” làm ngay. Chỉ riêng Gia Lai đã ra thông báo quy hoạch 60.000ha làm cao su mới.

Ông Thuyên khẳng định, ở góc độ kinh tế thì giá trị cây cao su lại cho hiệu quả cao và UBND tỉnh đã có cân nhắc, tính toán kỹ trước khi thực hiện dự án trồng cao su.

Tuy nhiên, trái với mong đợi này, cũng như ở nhiều địa phương khác, cao su ở Gia Lai lại bị chết.

Ông Thuyên thừa nhận: "Ở Gia Lai có tình trạng cao su bị chết nhiều nhưng hiện bộ phận kỹ thuật đang kiểm tra nguyên nhân".

Thực tế này không khiến dư luận quá bất ngờ, bởi trước đó, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, bản thân ông trước đó từng ngồi trong hội đồng xét duyệt trồng cây cao su ở Tây Nguyên. Khi đưa ra ý kiến ở khu vực này không thích hợp cho sự phát triển của cao su. Cụ thể với cây cao su chỉ cần úng 2-3 ngày là chết nhưng có khu vực vào mùa mưa úng tới 2-3 tuần. Và cả mùa khô ở Tây Nguyên 6 tháng không mưa mà lại không tưới thì cây không sống được. Bản thân cây cao su đã được trồng với chế độ chăm sóc quá tốt nên rất dễ chết. Nhưng các doanh nghiệp tìm đủ cách để bảo vệ.

Cây cao vẫn được trồng tại nhiều tỉnh trên cả nước bỏ qua những lời cảnh báo khoa học và kết cục là cây bị chết hàng loạt
Cây cao vẫn được trồng tại nhiều tỉnh trên cả nước bỏ qua những lời cảnh báo khoa học và kết cục là cây bị chết hàng loạt

“Khi hội đồng đưa ra các căn cứ khoa học về lượng mưa, độ sâu của đất, thời tiết nắng… khiến cây cao su không thể sống được ở đất Tây Nguyên, thì ngay lập tức doanh nghiệp đưa ra giấy chứng nhận của Viện nghiên cứu cao su kết luận rằng khu vực đó có thể trồng được cao su. Tức là phía doanh nghiệp đã “chạy” trước cái kết quả này, và biết trước kiểu gì thì hội đồng cũng sẽ lấy ý kiến của Viện Nghiên cứu cao su. Phía doanh nghiệp đã biết trước quy trình của hội đồng”, GS Lung bức xúc.

Và đến bây giờ khi cao su bị chết, hỏi về việc quy trách nhiệm như thế nào về sự cố tình trồng trong đã có nhiều cảnh báo của các nhà khoa học về sự tương thích của cây cao su, ông Thuyên nói: “phải rà soát lại xem nguyên nhân chết vì lý do gì mới có thể biết được trách nhiệm”.

Không chỉ chết mà còn không cho mủ 

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của tổ chức Tổ chức Forest Trends (tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về rừng của Mỹ) tại Việt Nam cũng chỉ ra, ngoài chuyện cây chết hiện có nhiều ý kiến cho rằng một số diện tích cao su ở Việt Nam được mở rộng ở những vùng không phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng và điều này có thể dẫn đến rủi ro là cây cao su đến giai đoạn khai thác có thể không cho mủ, hoặc cho mủ nhưng không đạt sản lượng kỳ vọng, hiệu quả kinh tế không đảm bảo.

Tình trạng các cây non được trồng ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc bị chết trong giai đoạn 2008-2009 càng làm xuất hiện nhiều nghi ngờ về tính hiệu kinh tế mà cao su có thể mang lại tại các vùng này trong tương lai.

Điều này đã được Chính phủ cảnh báo trong Chiến lược phát triển cao su, đặc biệt đối với vùng Tây Bắc trong đó khuyến cáo “Các tỉnh vùng Tây Bắc: không phát triển theo phong trào”. Công văn số 1039/VPCP-TH ngày 22/2/2012 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ NN&PTNT phản ứng về tình trạng phát triển cao su ồ ạt tại một số địa phương không thuộc quy hoạch cũng nêu rõ: “…do đất đai, thời tiết không phù hợp... đã làm cho cây cao su bị chết, hoặc có sống được lại không cho mủ, và nếu có cho mủ cũng rất thấp, dẫn đến hoang phí tài nguyên đất, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và người dân”.

Theo GS Lung, một thực tế hiện nay đang rất đáng lo ngại là đến thời điểm cây cao su cho mủ người ta còn không dám chích bởi khi cây phát triển không đúng điều kiện thì cũng không cho mủ.

Tại Quảng Trị cao su cũng chết hàng loạt
Tại Quảng Trị cao su cũng chết hàng loạt

Chính vì điều này, cảnh báo của Forest Trends rằng, về khía cạnh kinh tế, hiện với mức sản lượng bình quân khoảng 1,8- 2,4 tấn mủ/ha/năm, với giá bán trung bình khoảng 60 triệu đồng/tấn thì mỗi ha cao su sau khi đã trừ đi chi phí có thể thu được phần lợi nhuận khoảng 24 triệu đồng/ha/năm.

“Liệu hiệu quả kinh tế này có được đảm bảo, đặc biệt đối với diện tích cao su ở những vùng có đặc điểm về khí hậu, thời tiết, địa hình không phải là tối ưu đối cho cây cao su sinh trưởng và phát triển? Hiện vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này”, báo cáo viết.

Đến thời điểm này chưa địa phương nào khẳng định được hiệu quả kinh tế từ cây cao su song diện tích rừng tự nhiên bị mất là có thật. Đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000 ha, trong số này 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang.

Một số điều kiện tối ưu cho cây cao su sinh trưởng

Cây phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, có nhiệt độ trung bình từ 22 độ C đến 30 độ C (tốt nhất ở 26 độ C đến 28 độ C), cần mưa nhiều (tốt nhất là 2.000mm) nhưng không chịu được sự úng nước và gió. Cây cao su có thể chịu được nắng hạn khoảng 4 đến 5 tháng, tuy nhiên năng suất mủ sẽ giảm. Tại Việt Nam cây thích hợp với đất đỏ sẫm ở vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bích Ngọc

thunm

Báo Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên