MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chết” với văn bản hướng dẫn

Liên tục những bất cập trong chính sách thuế được phản ánh cho thấy thực thi pháp luật về thuế đang có vấn đề. Vì sao?

Liên tục những bất cập trong chính sách thuế được phản ánh trên báo chí như chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), rồi chuyện ngư dân mất oan tiền thuế... đã cho thấy thực thi pháp luật về thuế đang có vấn đề. Vì sao dẫn đến thực tế trên và nên giải quyết câu chuyện này thế nào?

Mỗi khi có tổ chức đối thoại, doanh nghiệp đến dự kín hội trường và doanh nghiệp thể hiện bức xúc quá nhiều. Điều này cho thấy quy định pháp luật về thuế có nhiều điểm chưa rõ ràng, đồng thời chính sách và cách thức trình bày văn bản quy phạm có vấn đề

Luật sư TRẦN XOA, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang (TP.HCM), phân tích:

- Hiện nay văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là luật, tiếp theo là nghị định và thông tư. Khi có vướng mắc, cơ quan ban hành văn bản sẽ có văn bản hướng dẫn, giải thích. Tuy nhiên, khi xây dựng luật thường rất đơn giản, ngắn gọn, hầu như không có vướng mắc gì.

Sau khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết hơn. Ở nghị định có sự tham gia của Bộ Tư pháp nhưng đến thông tư thì Bộ Tư pháp không chi phối nữa. Do vậy thường đến thông tư thì “phình” ra rất nhiều điều kiện. Những vướng mắc từ thực tế sau đó được giải quyết bằng các công văn lẻ.

Thực tế, nhiều trường hợp thông tư đưa ra rất nhiều vấn đề không có trong luật. Có trường hợp thông tư, nghị định đứng 
trên luật.

* Câu chuyện ngâm tiền hoàn thuế của doanh nghiệp (DN) vừa qua có nguyên do từ các công văn hướng dẫn vượt quyền không, thưa ông?

- Luật thuế GTGT không quy định “ưu tiên hay không ưu tiên” nhưng công văn lại đặt ra điều kiện, dẫn đến nhiều DN từ hoàn trước kiểm sau thành kiểm trước hoàn sau. Chưa kể công văn còn chẻ ra nhiều trường hợp. Chẳng hạn trường hợp hoàn thuế những mặt hàng có thuế suất thuế GTGT đầu ra và đầu vào bằng nhau nhưng âm 12 tháng liên tục thì phải đưa vào diện kiểm trước hoàn sau.

Ngoài ra công văn của Bộ Tài chính còn yêu cầu cục trưởng các cục thuế “áp dụng những biện pháp nghiệp vụ” kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ hoàn thuế. Đối với các hồ sơ có dấu hiệu rủi ro, phải yêu cầu người nộp thuế giải trình bổ sung hồ sơ để chuyển sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Dựa vào quy định này, cứ DN nào âm 12 tháng liên tục thường bị cơ quan thuế đưa vào diện kiểm trước hoàn sau. Như vậy, ngoài việc Bộ Tài chính quy định vượt quyền luật bằng công văn, còn có việc cán bộ thuế vận dụng sai gây ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của DN.

* Thực tế cho thấy chuyện công văn vượt quyền không chỉ ở quy định hoàn thuế?

- Có thể dẫn chứng ra đây như Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định chuyển nhượng “căn nhà duy nhất” thì được miễn thuế nhưng sau đó Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định số 65 đặt thêm điều kiện “thời gian sở hữu tối thiểu là 183 ngày”.

Bộ Tài chính cũng có công văn quy định thêm “các trường hợp chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không được miễn thuế TNCN theo diện nhà ở duy nhất”.

Điều đó cho thấy luật chỉ quy định điều kiện duy nhất để miễn thuế nhà duy nhất, còn nghị định hướng dẫn lại đưa ra rất nhiều điều kiện nữa mới cho miễn thuế.

Rồi sở hữu căn nhà duy nhất nhưng vì lý do nào đó không trực tiếp đứng ra bán mà ủy quyền thì vẫn phải nộp thuế chứ không được miễn. Rồi người được ủy quyền đứng ra bán lại nộp thuế một lần nữa, như vậy là nộp thuế hai lần.

* Có một thực tế hiện các công văn đang chi phối các quy định thuế, theo ông, xử lý quyền lợi của DN bằng công văn như vậy có hợp lý?

- Đúng là có thực tế đó. Chưa kể nhiều công văn ban hành chưa chính xác, dẫn đến gây thiệt hại quyền lợi chính đáng của DN.

Trong các buổi hội thảo, đối thoại thuế DN, chuyên gia đã đề nghị cơ quan thuế đưa công văn trả lời vướng mắc của các DN lên web thì nhiều nơi không đưa hoặc chỉ đưa chiếu lệ vài văn bản nhưng cũng rất chậm. Như vậy thì làm sao DN kiểm tra được cùng một vướng mắc nhưng cơ quan thuế trả lời DN A và DN B khác nhau như thế nào?

* Trong kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua việc sửa một số luật thuế, trong đó có Luật quản lý thuế. Là người có đụng chạm trực tiếp với thuế, ông có đề xuất phải giải quyết câu chuyện bất hợp lý hiện nay thế nào?

- Để tránh việc sinh ra các quy định không có trong luật, tôi đề xuất các luật về thuế phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đầy đủ và chi tiết.

Theo đó thay vì phải đợi đến nghị định, thông tư thì luật nên cụ thể, các quy định thông tư gộp hết vô luật để Quốc hội thông qua, sao cho rõ ràng minh bạch và DN, cơ quan thuế có thể cầm luật để thực hiện.

Như vậy sẽ tránh được việc công văn vượt quyền thông tư, có khi vượt cả luật, thông tư vượt quyền nghị định thậm chí đứng trên luật như hiện nay.

Tại sao Bộ Tài chính ban hành được thông tư mà thông tư không chuyển thành luật. Hơn nữa khi tất cả được chuyển thành luật, khi đó tất cả điều khoản sẽ được đại biểu Quốc hội, chuyên gia, người nộp thuế, các ủy ban của Quốc hội xem xét, góp ý. Nói chung là các điều khoản sẽ được soi xét theo một quy trình rất chặt chẽ chứ không chỉ là luật khung như 
hiện nay.

* Nhưng trong thực tế vẫn có những vấn đề phát sinh sau khi ban hành luật, do vậy công văn vẫn cần thiết?

- Theo tôi để minh bạch thì tất cả công văn trả lời đều phải đưa lên hết lên trang web kèm theo công văn trong vòng tối đa ba ngày sau khi ký cho mọi người nộp thuế, mọi DN đều được truy cập tự do, xem và tải về. Một vấn đề nữa, tôi đề xuất cũng như án lệ, công văn trả lời vướng mắc của DN này hay cho phép DN này thì đối với các DN khác có vụ việc tương tự phải được áp dụng.

Hiện nay nhiều cơ quan thuế và cán bộ thuế chỉ chấp nhận văn bản trả lời DN nào chỉ áp dụng cho DN đó, DN khác không được vận dụng. Nhưng ngược lại thì cán bộ thuế lại có quyền sử dụng văn bản trả lời cho DN này để áp vào thu thuế hoặc xử lý DN khác. Hiện nhiều DN không “chết” bởi luật mà "chết" bởi văn bản hướng dẫn. Trong khi đó khởi kiện cơ quan thuế ra tòa thì hiện nay không phải DN nào cũng dám.

* TS Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Văn bản dưới luật đang chi phối luật

Kỳ họp này Quốc hội sẽ sửa một số luật thuế trong đó có Luật quản lý thuế. Ở lần sửa này, hướng là sẽ bớt đi những hướng dẫn dưới luật vì trong lĩnh vực thuế, các văn bản dưới luật đang chi phối luật.

Do vậy hướng là phải sửa sao cho nội dung nào cần cụ thể phải ghi rõ trong luật. Phải hạn chế tối đa văn bản dưới luật và Quốc hội sẽ kiểm soát hoàn toàn quy trình đó, nhất là trong việc quản lý thuế. Lần này Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã lấy ý kiến và sẽ có văn bản kiến nghị.

Theo Ánh Hồng

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên