MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ 2: Chi phí ngoài luồng kéo "tụt" ngành logistics Việt Nam

Một trong những lý do khiến cho chi phí logistics Việt Nam thuộc hàng top thế giới khi chiếm tới 25% GDP là do những chi phí ngoài luồng phát sinh.

Theo nghiên cứu của WB, tại các quốc gia phát triển, chi phí logistics chỉ chiếm từ 10 - 15% GDP/năm, ở các nước đang phát triển, chi phí cho logistics chiếm từ 25 - 27% GDP/năm.

Trong đó, chi phí logistics của Mỹ khoảng 7,7% GDP/năm, các nước khối EU khoảng 10% GDP. Tại châu Á, chi phí logistics của Singapore vào khoảng 8% GDP, Nhật Bản khoảng 11% GDP, Trung Quốc khoảng 18% GDP.

Nhiều chỉ số "tụt hạng"

Tuy nhiên, chi phí mà các DN phải trả cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện đang ở mức cao so với trung bình của thế giới, chiếm tới 25% GDP. Thực tế này khiến cho chỉ số hoạt động logistics thương mại (LPI) của Việt Nam đứng thứ 48/160 nước theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong năm 2014.

Mặc dù có tốc độ phát triển cao (trung bình 20%), và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nỗ lực vươn lên trong cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, song vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Cụ thể, Việt Nam đã có cải thiện đáng kể về chỉ số cơ sở hạ tầng (từ vị trí 82 năm 2012 lên vị trí 44 năm 2014; chỉ số chất lượng và năng lực logistics cũng được cải thiện (vị trí 82 lên vị trí 49). Tuy nhiên, chỉ số về thời gian thực hiện dịch vụ đã thụt lùi từ vị trí 36 xuống vị trí 56; chỉ số hải quan giảm từ vị trí 37 năm 2007 xuống còn vị trí 63 năm 2012 và cải thiện ở vị trí 61 năm 2014.

Theo đánh giá của TS. Hồ Thị Thu Hòa - Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, sự giảm sút một số chỉ số đánh giá dịch vụ logistics Việt Nam theo WB cho thấy, tổng thể dịch vụ logistics Việt Nam vẫn chưa cải thiện. Đây sẽ là thách thức lớn cho các DN logistics Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các công ty nội địa và công ty nước ngoài.

Còn theo ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải U&I, chi phí logistics của Việt Nam thuộc hàng top trên thế giới đang tạo nên những rào cản, cản trở khiến cho ngành logistics của Việt Nam kém phát triển.

“Có nhiều lý do như cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật của chúng ta, trong đó vấn đề mọi người than phiền nhiều nhất là hải quan, thông quan hàng hóa rất mất thời gian, nên chắc chắn sẽ khiến cho chi phí logistics sẽ đội lên thôi” - Ông Tín bình luận.

Gánh nặng chi phí ngoài luồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Huy Hiền - Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, cho rằng việc giảm chi phí logistics đang là bài toán khó với các nhà quản lý và DN trong ngành, bởi đây là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều ngành.

Dẫn chứng, chi phí vận tải của Việt Nam được xếp vào hàng cao trong khu vực và thế giới, một phần là do hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đội tàu biển và tàu bay – mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics Việt Nam, đa phần là do DN nước ngoài nắm giữ.

“Hệ thống vận tải và hạ tầng yếu kém, việc kết nối đường biển và đường bộ kém và chưa có hệ thống tốt, nên xảy ra ùn tắc và năng suất vận tải đường thủy, đường sông và đường bộ thấp. Không có phương tiện, hệ thống hạ tầng tốt thì nói giảm chi phí logistics là duy ý chí”- Ông Hiền nhận định.

Nguyên nhân thứ hai khiến cho chi phí logistics tăng lên, là tình trạng tắc nghẽn cảng dẫn đến chậm đơn hàng.

Theo phân tích của ông Hiền, không chỉ đơn thuần là những vấn đề phát sinh từ thủ tục hải quan, mà các thủ tục liên ngành, như kiểm dịch động thực vật, kiểm tra xuất xứ hàng hóa… cũng làm ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng xuất nhập khẩu.

Mặc dù ngành hải quan đã ứng dụng thông quan điện tử, góp phần cho việc giải phóng hàng hóa nhanh hơn, song vẫn chưa giảm được như kỳ vọng. Đại diện của Hiệp hội trên cho hay, nếu không muốn kéo dài thời gian thông quan, không bị những rào cản khi làm thủ tục hải quan, DN vẫn phải có chi phí.

“Mặc dù đã có thông quan điện tử, nhưng vẫn có tiêu cực trong đó, vẫn có những phí ngoài luồng, thời gian kéo dài. Nhưng không chỉ liên quan đến hải quan không mà liên quan đến thủ tục kiểm tra liên ngành như kiểm dịch động thực vật, các thủ tục liên quan đến giấy phép con. Vấn đề là cả hệ thống làm chậm, thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN” - Ông Hiền cho hay.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên